BÍ QUYẾT NÓI ĐẠO LÝ KHÔNG GÂY NGỨA ĐÍZ?
Người thành công thì nói gì cũng đúng, vì có vẻ như điều đó ít nhất cũng đúng với bản thân họ.
Nhưng nói ít thì được, nói nhiều nghe rất ngứa đíz. Dăm hôm lại có chị lên mạng khuyên người ta đừng về nhà trước 7h, ba bữa lại có anh lên mạng nhắn người ta đừng tốn thời gian xem các chương trình giải trí. Hết chuyện sự nghiệp rồi đến chuyện yêu đương, khắp cõi mạng đâu đâu cũng có đạo lý.
Vậy, thế nào là nói đạo lý, thế nào là quan điểm cá nhân? Đâu là ranh giới giữa dạy đời và lời khuyên chân thành?
Nội dung chính
1. Về mặt bản chất
Nói đạo lý: Phán xét đánh giá người khác, bắt mọi người tuân theo 1 tiêu chuẩn của bản thân, phê phán những lựa chọn trái ngược
Quan điểm cá nhân: Đưa ra những trải nghiệm mang tính cá nhân, những gì tôi đã suy nghĩ, tôi đã trải qua, tôi đã lựa chọn, tôi sẽ lựa chọn.
2. Về mặt ngôn từ
Nói đạo lý: thường dùng những từ như hãy, đừng, phải, không được,…
Quan điểm cá nhân: thường dùng những từ như tôi đã, tôi đang, tôi sẽ,….
3. Về mặt nhận thức
Nói đạo lý: Lấy bản thân làm tiêu chuẩn cho thế giới. Thiếu nhận thức về sự khác biệt trong lựa chọn mục tiêu của mỗi người
Quan điểm cá nhân: Hiểu rằng mỗi người đều bị chi phối bởi vô vàn nhiều thứ, bao gồm nguồn lực, mục tiêu và bối cảnh. Mình làm được không có nghĩa là người khác làm được, mình không làm được không có nghĩa là người khác không làm được. Trong cuộc sống có vô vàn nhiều mục tiêu, mỗi mục tiêu sẽ quyết định những phương pháp và lựa chọn khác nhau.
4. Về cách đưa ra lời khuyên
Dạy đời: Chỉ đưa ra một kết luận mang tính áp đặt.
Lời khuyên chân thành: Luôn đưa một lời khuyên đi kèm với mục tiêu/bối cảnh/nguồn lực cụ thể.
Ví dụ về một lời khuyên chân thành: Nếu bạn đang không có kiến thức kinh nghiệm, nếu bạn muốn phát triển nhanh trong sự nghiệp, nếu bạn đang không có quá nhiều gánh nặng về tài chính, thì thời gian đầu hãy tạm bỏ qua những mong muốn về thu nhập, phải đặt mục tiêu kiến thức lên hàng đầu.
Dễ thấy lời khuyên đó đang dùng những từ như “hãy, phải”. Tuy nhiên, đây vẫn là một lời khuyên đúng mực vì nó đã đưa ra 1 mục tiêu và bối cảnh cụ thể. Nếu bỏ vế đầu đi, lời khuyên này sẽ chỉ là một lời áp đặt, ép buộc mọi người đi theo mục tiêu của người nói.
5. Về đối tượng của lời khuyên
Dạy đời: Thường hướng tới một nhóm rất lớn, thậm chí là tất cả mọi người.
Lời khuyên chân thành: Hướng tới một nhóm nhỏ, thậm chí là một người cụ thể. Vì như đã nói, càng chi tiết về mục tiêu/bối cảnh/nguồn lực thì nhóm đối tượng càng nhỏ.
TẠI SAO NHỮNG NGƯỜI NÓI ĐẠO LÝ LẠI THƯỜNG HAY SỐNG LỖI?
Tất nhiên không phải 100%, có những người nói đạo lý không phải là do họ tự cao, không phải là do họ thích thể hiện, chỉ là họ chưa biết cách làm sao để đưa ra một lời khuyên TRÒN TRỊA nhất.
Nhưng cái gì cũng có lý do của nó, việc nói đạo lý nhiều, vô tình lại có thể tác động tiêu cực đến bản thân của người nói. Đơn giản là họ cho rằng mình quá giỏi quá tốt, đơn giản là dần dần họ mất đi sự thấu cảm với hoàn cảnh của người khác, đơn giản là họ quen với sự phán xét và áp đặt.
Mặt khác, việc nói đạo lý sẽ dần dần vẽ ra một bức tranh hoàn hảo cho bản thân. Vì đã lỡ nói đạo lý, nên bản thân phải cố tỏ ra xứng đáng với những gì mình đã lỡ dạy dỗ người khác. Thế là dần dần một bản thể giả dối hình thành.
Đôi khi không phải vì sống lỗi nên nói đạo lý, mà quả thực nói đạo lý lắm có thể dẫn tới sống Lỗi.
Chủ quán đạo lý!