Nhiều năm gần đây, mọi người hay truyền tai nhau về lối sống trải nghiệm. Mọi người thường khuyên nhau là nên đi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn, qua đó tích lũy vốn sống.Những lời khuyên đó không sai, nhưng chưa đủ.
Để tích lũy vốn sống, cần có 2 yếu tố bắt buộc: tư duy + trải nghiệm.
Bạn trải nghiệm nhiều, nhưng đã chắc bạn rút ra được điều gì cho cuộc sống?
Bạn có kinh nghiệm làm ở 2 3 công ty, đã chắc bạn sẽ làm tốt ở công ty số 4?
Vốn sống không tích lũy theo thời gian thực, không phải tuyến tính kiểu 1+1=2. Có những chuyện mình trải qua nhiều năm trước, đến hôm nay, thông qua một biến cố nào đó mình mới nhìn ra bản chất vấn đề. Đó là do tư duy mình thay đổi. Có nghĩa là vốn sống tích lũy trong nhiều năm, nhưng đến hôm nay mới thành hình.
Vì vậy, người trẻ nếu cảm thấy mình còn ít vốn sống cũng là bình thường. Muốn giàu vốn, bên cạnh việc va vấp nhiều, phải rèn luyện tư duy nhìn nhận đánh giá vấn đề. Bạn đã bao giờ thấy ai đựng nước trong xô thủng đáy chưa? Hãy coi tư duy chính là cái xô. Nếu người trẻ mà k rèn luyện tư duy, thì trải nghiệm của bạn cũng giống như nước đựng trong cái xô thủng, trôi tuột đi k để lại dấu ấn gì.
Vậy túm lại là làm sao để học ít hiểu nhiều, làm ít ra nhiều? Sau đây là những kinh nghiệm tôi đúc rút được.
Nội dung chính
1. Phân loại kiến thức
Trên đời này, đã là kiến thức thì cái nào cũng quý giá. Chỉ là liệu chúng ta có nhìn ra giá trị của nó, có thể tận dụng được nó hay không.
Bộ não của chúng ta có một sức chứa tưởng chừng như không giới hạn. Tôi đã từng xem rất nhiều tài liệu nói về dung lượng bộ não con người. Tuy nhiên, mặc dù công nghệ ngày nay đã rất phát triển nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự thống nhất trong các phép đo. Chỉ đơn giản là sức chứa của bộ não quá lớn. Đặc biệt là các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc phân tách trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.
Tuy sức chứa lớn đến tưởng chừng như vô hạn, nhưng rõ ràng là trong một thời điểm, chúng ta chỉ có thể tập trung vào một số ít những thứ quan trọng. Vậy thì ngay từ khâu tiếp cận với kiến thức, hãy làm luôn việc phân loại và đánh giá mức độ quan trọng. Hãy giữ chỗ đẹp nhất trong bộ não của bạn cho những thứ cần phải nhớ.
Tôi tạm chia tất cả kiến thức thành 3 dạng như sau:
Dạng 1: Kiến thức giúp bạn làm, có thể ứng dụng vào công việc ngay. Đây thường là các kiến thức dạng thủ thuật, mẹo, quy trình, các quy định, template, kỹ thuật, case study,… Những kiến thức này thường trả lời cho câu hỏi HOW – Làm thế nào?
Dạng 2: Kiến thức giúp bạn nghĩ, giúp bạn hình thành tư duy. Đây thường là những lý thuyết, những quy luật cơ bản trong Marketing. Những kiến thức này thường trả lời cho 5 câu hỏi W, bao gồm WHAT (cái gì), WHY (Để làm gì), WHO (Cho ai), WHEN (Khi nào), WHERE (ở đâu).
Dạng 3: Kiến thức giúp bạn đi chém gió. Đây là những kiến thức không trực tiếp ảnh hưởng tới công việc của bạn. Nhưng nó lại là thông tin giúp bạn tăng sự hiểu biết thông thái. Tạo điều kiện để bạn đi giao lưu chém gió chia sẻ.
Ví dụ: “Vào năm 2020, tờ báo điện tử Guardian của Anh đã đăng tải một bài viết với tiêu đề “A robot wrote this entire article. Are you scared yet, human?” (Robot đã viết toàn bộ bài báo này. Các bạn đã hoảng sợ chưa, loài người). Bài viết sau đó đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, mọi người bàn tán về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra, bài viết đó không phải do AI viết hoàn toàn, đã có bàn tay con người ghép nối. Thực tế là AI đã viết ra 8 bài viết khác nhau, các Biên Tập Viên đã chọn những đoạn hay nhất trong 8 bài ra và ghép chúng lại. Như vậy, tương lai AI thay con người trong xuất bản nội dung vẫn còn mơ hồ lắm.”
Đấy, một câu chuyện tôi kể cho bạn, nó đâu có ảnh hưởng đến công việc của bạn đâu, nhưng nó thú vị đúng không. Đi chém gió về mấy cái kiểu này khá là ngầu haha.
Sau khi phân biệt được 3 dạng kiến thức như này, chúng ta sẽ đối xử với chúng như sau:
Dạng 1: Lưu trữ thật hệ thống để tiện tra cứu khi cần. Không cần cố gắng học thuộc, làm và ứng dụng nhiều tự khắc sẽ nhớ.
Dạng 2: Phải đào sâu suy nghĩ, hiểu về bản chất, ghi nhớ lâu dài.
Dạng 3: Nhớ được thì tốt.
Cách để nhớ nhanh nhất là thi thoảng đem ra bàn trà đá chém gió bàn luận. Vừa vui vừa mở mang kiến thức.
Nếu bạn chỉ hứng thú với những kiến thức dạng 1, tức là bạn thích học từ ngọn.
Nếu bạn chỉ hứng thú với những kiến thức dạng 2, tức là bạn thích học từ gốc.
Ví dụ:
Học từ ngọn:
– 3 cách viết tiêu đề hấp dẫn
– công thức viết mở bài hấp dẫn
– 3 cấu trúc viết bài bán hàng hiệu quả
Học từ gốc:
– Vai trò của tiêu đề là gì, dựa vào đâu để đánh giá 1 tiêu đề tốt.
– Cách định hướng mở bài theo từng tệp đối tượng.
– Trong một bài viết bán hàng cần có những thành tố gì.
Học từ ngọn thường đi trả lời trực tiếp câu hỏi “how to”. Nhưng lại thiếu đi bối cảnh, khi nào nên áp dụng như vậy, khi nào không. Học từ ngọn thường khiến newbie rất thích, vì áp dụng được ngay. Dễ ảo tưởng rằng trình độ đã lên ngay sau khi học. Người học từ ngọn thường hay dè bỉu lý thuyết, thần thánh hóa những khái niệm như “thực chiến”.
Học từ ngọn thì nội lực không phát triển. Tưởng biết làm nhưng thực ra là không. Giống như 1 đứa trẻ được dạy luộc trứng trong bao nhiêu phút thì chín. Nhưng lại k được dạy cách phân biệt trứng để tủ lạnh và trứng để ở ngoài, trứng to và trứng bé,… Rồi lúc nào đứa trẻ cũng luộc trứng theo cùng 1 cách. Học từ ngọn, chỉ cần thay đổi 1 chút bối cảnh là có thể sai ngay.
Tuy nhiên, ngược lại, học từ ngọn xuống gốc cũng có những ưu điểm nhất định. Sau khi đã có trải nghiệm, đã thử sai nhiều lần, khi bạn tiếp xúc với kiến thức gốc rễ, bạn sẽ tiếp thu nhanh và thực tế hơn.
Cho nên lựa chọn là ở mỗi người. Quan trọng là đừng có coi thường dạng kiến thức nào. Có những lúc chỉ cần biết chém gió cũng ra được việc đấy.
2. Hai cuốn sổ
Trong quá trình học và làm, đương nhiên bạn sẽ phải tiếp xúc với vô vàn kiến thức. Thời tôi mới vào nghề, tìm kiếm thông tin trên internet khá là khó khăn, đã ít mà đôi khi còn sai nữa, lớp đào tạo thì gần như không có. Bây giờ mở mắt ra là kiến thức bay vô mặt, đâu cũng có. Đọc blog rồi thì tham gia các cộng đồng content, rất nhiều nguồn kiến thức miễn phí mà chất lượng. Ai có điều kiện thì có thể đi học thêm cả những khóa trả phí, kiến thức sẽ tinh lọc và hệ thống hơn một chút.
Nhưng trong quá trình thu thập kiến thức đó, bạn sẽ cần 2 cuốn sổ để thực sự biến kiến thức của người khác thành của mình
Cuốn sổ thứ nhất: Đơn giản là bạn ghi chép tất cả những gì bạn nghĩ là có ích.Cuốn sổ thứ hai: Tổng hợp, phân loại và hệ thống lại kiến thức.
Với cuốn đầu tiên, bạn hãy ghi chép theo dạng tốc ký, liệt kê, gạch đầu dòng. Cứ nghe hoặc học được gì hay thì note lại vào đó.
Nếu cuồn đầu là hàng thô, thì cuốn sau chính là hàng tinh. Đối với cuốn thứ 2, bạn sẽ viết lại kiến thức theo ý hiểu của mình một cách hệ thống. Nhưng thế nào là kiến thức có hệ thống?
Nó sẽ có mấy đặc điểm như sau:
– Kiến thức có định nghĩa khái niệm.
– Kiến thức được sắp xếp và phân loại.
– Kiến thức có bối cảnh, có điều kiện.
– Kiến thức được trình bày thành quy trình.
Để tôi lấy ví dụ cụ thể cho các bạn hiểu về kiến thức hệ thống nha. Bạn đọc được ở đâu đó rằng: Khi mới viết thì không nên viết câu dài, không nên dùng câu phức câu ghép. Nên tách thành các câu đơn hoặc câu không quá dài để tránh lỗi diễn đạt.
Bạn thấy thông tin trên có vẻ có giá trị, bạn ghi nó vào cuốn sổ thứ nhất.
Một thời gian sau, bạn tổng hợp tất cả những kiến thức đã thu thập được, cộng với sự trải nghiệm đúc rút của bản thân, bạn viết lại vào cuốn sổ thứ hai những thông tin như sau.
– Câu như nào là dài, như nào là ngắn (định nghĩa khái niệm)?
– Trường hợp nào nên dùng câu dài, trường hợp nào nên dùng câu ngắn (điều kiện bối cảnh)?
– Nên viết xong một lượt rồi sửa lại hay cố viết đúng ngay từ đầu (quy trình)?
Và quan trọng là phần kiến thức về câu dài ngắn này, lại được tổng hợp trong 1 kiến thức lớn hơn là kỹ năng viết. Cứ như vậy, mọi kiến thức được tập hợp lại thành một thể thống nhất.
Quán trà đá!