https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2024/06/two-man-talking-meeting-of-friends-or-colleagues-illustration-vector-740x493.jpg

Có Sao thì nói Sao, đừng nói Vậy.

Hai thói quen nhỏ giúp cuộc sống…. có thể nói là dễ chịu hơn.

Cuộc sống của mỗi người được định hình rất nhiều bởi khả năng tiếp nhận và truyền đạt thông tin. Biết bao vui buồn hỷ nộ được tạo ra không phải do bản chất sự việc mà là do vấn đề truyền đạt thông tin. Hiểu lầm này, tranh cãi này, thậm chí là khủng hoảng này,… rất nhiều thứ tiêu cực có thể đến từ những điểm mù thông tin trong giao tiếp.


Những tiêu cực không đáng có này có thể được xóa bỏ gần như hoàn toàn bằng việc luyện thói quen trích dẫn, tức là truyền đạt thông tin theo cách nhắc lại nguyên vẹn, thay vì truyền đạt theo ý hiểu của bản thân.


Đây là một điều rất đơn giản, rất dễ hiểu, nhưng lại có rất nhiều người đang có thói quen làm ngược lại.
Có lần bạn tôi kể chuyện, bạn nói rằng anh X trong công ty Y nói rằng Y đang rất khó khăn, có khi sắp “hẹo” rồi. Tôi khá ngạc nhiên vì theo những thông tin tôi nắm được thì Cty Y đang rất ổn, thậm chí khỏe là đằng khác.


Tôi mới hỏi lại xem chính xác nguyên văn anh X nói như nào, thì bạn tôi ngồi nghĩ 1 lúc mới nói: đại khái bạn tôi nghe thấy ông X bảo doanh số 3 tháng liền đều giảm so với năm ngoái.


Đây là chỗ chết dở này, doanh số cty 3 tháng giảm so với cùng kỳ, nhưng mà đó là do năm trước cty có đơn hàng đặc biệt trong quý. Riêng năm ngoái ds quý đó chiếm 80% ds cả năm. Vậy thì năm nay ds giảm cũng đâu nói lên điều gì.


Vậy nếu tôi không có khả năng sàng lọc và tiếp nhận thông tin, thì tôi đã ghim vào đầu một ý kiến rất thiếu cơ sở, và tôi sẽ lại tiếp tục đi lan truyền thông tin vớ vẩn đó. Mà điều đáng nói là những thông tin vớ vẩn này lại thường được đem ra buôn chuyện giết tgian, mức độ lan tỏa của nó là không phải bàn.

  • Con dâu tâm sự bảo mẹ chồng hơi khó tính, người nghe đi kể là con dâu không thích mẹ chồng.
  • Đồng nghiệp tâm sự với nhau rằng dạo này đi làm thấy không vui, người nghe đi kể là con bé này nó chán việc rồi.


Các bạn thấy những câu chuyện kiểu trên có quen thuộc không?


Có thể với người nói thì 2 vế ở trên không khác nhau quá nhiều. Nhưng với người nghe, mỗi từ ngữ đều có những sắc thái riêng. Chỉ cần đổi 1 từ trong cả 1 câu dài có thể thay đổi hoàn toàn cảm nhận của người nghe.


Thay vì truyền đạt nguyên văn thông tin đã tiếp nhận, nhiều người thường truyền đạt theo ý hiểu, thậm chí nhồi luôn quan điểm và suy đoán của bản thân vào đó, nhưng lại không tách bạch phần thông tin khách quan và quan điểm cá nhân. Điều này dẫn đến thông tin dễ bị phóng đại, nói quá, thậm chí sai bản chất.

Hãy nhớ, khi bạn truyền đạt thông tin mà không phải là trích dẫn nguyên văn, thì bạn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với lời nói của bạn.


Song song với thói quen trích dẫn nguyên văn thông tin, thì bạn cũng nên hình thành thói quen đặt lại câu hỏi về tính nguyên vẹn của thông tin. Hãy hỏi người nói rằng: nguyên văn là như thế hay bạn hiểu là như thế?


Có 1 điều rất thú vị, là ngay khi bạn đặt ra câu hỏi đó, thì người nói mới bắt đầu ý thức về trách nhiệm của bản thân họ khi truyền đạt thông tin. Lúc đó, nếu họ có cố tình nói sai thông tin, thì chúng ta cũng có cơ sở để quy trách nhiệm. Công ty Y có khó khăn hay không là một điều rất mất tgian để xác định. Nhưng anh X có nói công Y khó khăn hay không, thì chỉ đơn giản là có hoặc không mà thôi.


Có Sao thì nói Sao, đừng nói Vậy. Đây chỉ là một cách chơi chữ để nhấn mạnh về thói quen truyền đạt nguyên văn nội dung. Nếu bạn làm được điều đó, cuộc sống của bạn sẽ dễ chịu hơn nhiều, vì khi đó bạn sẽ ít phải mất tgian cho các cuộc tranh luận vô nghĩa.


Bạn có để ý 1 điều rằng, khi bạn truyền đạt thông tin theo ý hiểu + suy đoán cá nhân, bạn sẽ có xu hướng tranh luận một cách bảo thủ để bảo vệ thông tin đó. Vì nếu thông tin đó sai thì bạn sẽ có cảm giác thua cuộc, và k ai thích điều đó cả.


Nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần là truyền đạt lại thông tin khách quan như nó vốn có. Bạn sẽ không có cảm giác phải bảo vệ một điều gì cụ thể. Bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm về thông tin đó (trừ khi bạn nói láo), nó đúng hay sai cũng k liên quan đến bạn.


Vậy nên hãy tách bạch 2 phần thông tin khi truyền đạt:

  • Tôi nghe hoặc nhìn thấy…
  • Theo tôi hiểu thì…..

Bài viết này không đề cập đến vấn đề đạo đức hay tính cách. Đây là vấn đề về khả năng nhận thức, vì kể cả những người không cố ý bốc phét, thì vẫn có thể vô thức truyền đạt thông tin không nguyên vẹn.
Chủ quán trà đá!

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.