Hướng nội và Hướng ngoại là 2 khái niệm được dùng rất nhiều trong những năm gần đây. Dạo này thì mình đang cảm nhận được 1 cái trend, hình như nhiều bạn trẻ thích tự nhận bản thân là Hướng Nội vì 1 lí do gì đó.
Mình muốn viết vài dòng để xóa bỏ những định kiến sai lầm của mọi người về 2 khái niệm này.
Điều đầu tiên, khi tìm hiểu về HN và HN, mình thấy có 1 keyword rất quan trọng, đó là “xu hướng”. HN hay HN là những xu hướng hành vi + tâm lý.
Điều này rất quan trọng, từ “xu hướng” thể hiện rằng những trạng thái tâm lý/hành vi này không tồn tại trong 100% thời gian cuộc đời của bạn. Sẽ có những lúc bạn Hướng ngoại và có những lúc bạn hướng nội, chỉ là với mỗi người thì sẽ có 1 xu hướng nào đó chiếm ưu thế. Chúng ta có thể Hướng Nội trong trường hợp này, nhưng lại hướng ngoại trong 1 tình huống khác.
Vì vậy, đừng để ai gán nhãn con người bạn. Nếu mọi người nhận định bạn là người Hướng Nội, không có nghĩa là bạn cứ phải sống như 1 người Hướng Nội cả đời.
Điều thứ 2, đừng gán Hướng Nội với nhút nhát và kém giao tiếp.
Người Hướng Nội chỉ đơn giản là những người có xu hướng tập trung vào bên trong bản thân. Họ không quá thích việc giao lưu, giao tiếp. Họ thoải mái khi ở một mình hoặc ở bên cạnh những người thân thiết.
Vậy thì phải làm rõ, người hướng nội không thích việc giao tiếp, chứ không phải họ kém giao tiếp. 2 việc đó khác nhau hoàn toàn, một cái nói về sở thích, một cái nói về khả năng. Tất nhiên, người nào thích giao tiếp thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để giỏi giao tiếp, nhưng không thể đánh đồng 2 việc đó với nhau.
Người hướng ngoại thích giao tiếp, thích những chỗ đông người, nhưng không có nghĩa là họ giao tiếp giỏi. Rất nhiều người hướng ngoại nhưng cứ tơn tớn lên, vô duyên hoặc không khéo léo.
Bù lại, những người sống nội tâm, đôi khi lại rất tinh ý, họ có thể ít nói, nhưng chỉ nói những điều cần thiết, họ nói những điều mà họ biết sẽ làm đối phương thấy thoải mái.
Vì vậy, nếu bạn giao tiếp kém, thì phải học phải luyện, chứ đừng đổ cho bản thân Hướng Nội, đó không phải là một cái cớ tốt.
Một ví dụ điển hình của điển hình cho nhóm người “Hướng Nội giỏi giao tiếp” là chính bản thân mình – chủ quán trà đá.
Mình làm chủ doanh nghiệp, mình xây dựng cộng đồng, mình thường xuyên lên sân khấu chia sẻ về cuộc sống và chuyên môn,… Túm lại là mình rất giỏi trong việc giao tiếp và truyền đạt, thậm chí mình còn giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ nữa. Ngồi với ai mình cũng có thể bắt chuyện được, vì mình biết cách tìm chủ đề chung với bất cứ một người lạ nào.
NHƯNG, mình giỏi những việc đó không có nghĩa là mình thích những việc đó. Mình thường né tránh việc giao tiếp nếu không cần thiết, mình chỉ thích ngồi cùng anh em thân thiết chứ không thích ăn uống cùng người ngoài, mình tận hưởng những giờ phút ở 1 mình. Mình không bao giờ đi party. Mình ghét những nơi ồn ào, ghét đi cafe cùng người lạ. Người hướng nội đôi khi sẽ hơi thực dụng một chút, vì họ chỉ giao tiếp khi cảm thấy đó là việc bắt buộc.
Biết sao được, không thích nhưng vẫn phải làm. Giao tiếp là công cụ quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp. Giá mà có cách nào không phải giao tiếp mà vẫn kiếm ra tiền, chắc mình cũng làm, nhưng hiện tại là chưa tìm ra, nên là vẫn phải nhoi mặt ra giao tiếp với thế giới.
Chốt lại, nếu bạn nhút nhát và giao tiếp kém thì đó là vấn đề của chính bạn. Bạn phải đối mặt với nó, đừng lấy hướng nội làm cái cớ để chấp nhận vấn đềChủ quán trà đá!
Kết bài xin dẫn lại 1 đoạn định nghĩa về 2 khái niệm HN&HN từ Wikipedia:
- Người hướng ngoại có xu hướng thích giao lưu, quyết đoán tốt và thường quan tâm đến những yếu tố gây phấn khích như màu sắc, âm thanh, sự chuyển động. Những người hướng ngoại dễ gần và giao lưu, họ thường tỏ ra thích thú với xung quanh và luôn lạc quan, nhiệt tình.
- Ngược lại, người hướng nội thường kín đáo, dè dặt hơn, họ ít đi lại và ít hòa đồng. Người hướng nội không nhất thiết là người cô đơn nhưng họ thường có xu hướng hài lòng với việc có ít bạn bè. Những người hướng nội thường không ưu tiên các hoạt động giao tiếp xã hội nhưng không có nghĩa là họ lo lắng hay nhút nhát mà đơn thuần là không ưa các hoạt động này.
- Một người có thể có tính cách hoàn toàn hướng nội, hướng ngoại hoặc cân bằng giữa cả hai.