Hơn 30 năm sống một cuộc đời 2 mặt.
Hay nói đúng hơn là “nhiều chục mặt”.
Cách đây vài năm có 1 bộ phim tôi rất thích, đó là “Split” do James Mcavoy đóng chính. Phim nói về một bệnh nhân có 24 nhân cách tồn tại độc lập. Mạch phim cực kỳ lôi cuốn, dẫn người xem đi làm quen với từng nhân cách. Những con người đó, họ tranh đấu lẫn nhau, yêu ghét, chia bè kéo cánh, y như 1 xã hội thu nhỏ, chỉ là tất cả đều sống cùng nhau trong đầu của nhân vật chính.
Tạm bỏ qua những yếu tố về cốt truyện, sau bộ phim tôi hay ngồi suy nghĩ về căn bệnh đa nhân cách. Nếu xét theo 1 khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy bản thân cũng là người có bệnh bẩm sinh. Chỉ khác là những nhân cách của tôi không độc lập đến như vậy mà thôi.
Một buổi chiều cách đây khoảng 5 năm, hôm ấy tôi đi mua ô tô, hồi đó là mua con Mazda CX5 ở showroom Nguyễn Trãi. Sau khi thống kê hết chi phí, tôi còn phải chuyển khoản cho thằng ku sale là 8tr7. Với, sự hưng phấn khi nhận xe, tôi chuyển luôn cho nó 10tr, mạnh mẽ lên giọng: Phần dư là anh cho, anh cám ơn mày.
Về đến nhà, mọi người tổ chức ăn tối linh đình, liên hoan mừng xe mới. Đến sát bữa thì thiếu mấy quả chanh pha đồ chấm, nhà cách chợ có 50m nên tôi đi bộ ra mua. Ra hàng rau, hỏi chanh bn một quả, cô bảo 3k/quả. Tôi bảo cháu có đúng 10 nghìn, lấy tròn 4 quả 10k được không cô. Lúc ấy cũng muộn, gần 7h, chắc mệt nên cô đồng ý. Cầm 4 quả chanh về mà lòng như niềm vui nhân 2, một chiến thắng nhỏ nhoi mà lại có thể sướng đến vậy, hình như tôi còn nhảy chân sáo trên đường về nhà. Bữa tiệc diễn ra vui vẻ hân hoan.
Sau đó ít bữa, hôm đó tôi đi đâu về muộn, tầm 10h đêm. Đi qua hàng rau thấy cô vẫn ngồi bán. Không rõ hôm đó cô bán muộn hơn, hay bình thường mình không để ý. Nhưng 10h bán rau thì ai mua, chắc cố vớt vát những người lao động về muộn, không biết ngồi muộn vậy có thêm được vài chục nghìn không.
Lúc đó tôi mới chợt nghĩ tới cái ngày mua xe. Sao buổi chiều mình hào phóng đàng hoàng thế, sao buổi chiều mình xịn sò đẳng cấp thế, sao buổi chiều mình có vẻ là người biết trân trọng công sức của người khác thế….. mà chỉ vài tiếng sau, tôi lại thành đứa ki bo kẹt xỉ, một đứa hạnh phúc vì tiết kiệm được 2k từ cô bán rau.
Nhận ra sự 2 mặt của bản thân là một giây phút bàng hoàng. Ngồi ngẫm lại về cả cuộc đời, tôi bỗng nhận ra dùng một vài từ để mô tả về một con người là việc làm ngốc nghếch. Chẳng ai hào phóng mọi lúc, cũng chẳng ai ki bo mọi lúc.
– Bạn nói tôi là người thân thiện ư? Không, có những lúc tôi là người rất khó chịu và khó gần.
– Bạn nói tôi là người tử tế ư? Không, tôi cũng chỉ tử tế trong 1 số trường hợp, có những lúc tôi cũng bẩn bựa lắm, nhiều lúc tôi vẫn muốn ăn phần hơn trong các mối quan hệ hợp tác
– Bạn nói tôi là người logic lý trí ý? Không, lúc mua sắm tôi ngu và phi lý trí lắm, hứng lên là mua thôi, tôi chỉ cẩn trọng lúc chửi nhau trên mạng thôi.
– Bạn nói tôi là người xuề xòa hay lịch sự? Không, đều sai cả, có lúc tôi đóng bộ rất lịch sự, có lúc lại xuề xòa không thể bình dân hơn.
Trong những trường hợp cụ thể, tôi sẽ bộc lộ một nhân cách cụ thể.
Hôm qua ngồi nói chuyện với bé Làn, tôi nói rất thật, ngưỡng mộ và ghen tị với những người như em. Những người có khả năng chia sẻ thật nhất những góc cạnh cuộc sống của họ, điều mà tôi không làm được.
Vì đơn giản là tôi đã quen với việc bị mọi người gán nhãn quá nhiều. Họ nói tôi thế này, họ nói tôi thế kia, và nếu tôi thấy thích cái nhãn đó, tôi sẽ tỏ ra mình như vậy. Tôi sẽ chỉ chia sẻ những hình ảnh phù hợp với cái nhãn đó. Tôi không dám chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của cá nhân, vì họ nói tôi là người tích cực. Tôi không dám chia sẻ những suy nghĩ tầm thường, vì họ gán tôi vào mác trưởng thành.
Vấn đề ở đây là gì? Việc mọi người gán nhãn cho tôi, không hề giúp tôi tốt lên, nó chỉ khiến tôi giấu đi những thứ ngược lại, thế thôi. Tôi đã sống với hàng chục bộ mặt trong hơn 30 năm, nhưng chỉ thể hiện một vài khía cạnh khi lên mạng xã hội.
Một bệnh nhân tâm thần đa nhân cách đôi khi còn chấp nhận việc họ bị bệnh, đôi khi còn ý thức được sự tồn tại của những nhân cách kia. Vậy mà nhiều người bình thường còn không được như vậy. Họ tự gán nhãn bản thân hoặc chọn tin vào những điều mà người khác gán cho họ. Họ tin rằng bản thân tử tế, nhưng không thấy được những giây phút sống lỗi của mình. Bước đầu tiên của sự thay đổi, là tôi đã chấp nhận những thiếu sót của bản thân, chấp nhận rằng mình cũng đếch phải như vậy đâu. Việc đặt mục tiêu sống tử tế, tôi thấy tốt hơn nhiều so với niềm tin rằng mình “đã tử tế”.
Chốt lại, đừng nghĩ rằng bạn hiểu tôi, trong khi chính tôi còn đang vật vã đi tìm hiểu.
Chủ quán tâm thần!