Quán trà đá Digital Marketing

Không xuất sắc thì đừng ảo tưởng

Có một câu chuyện khá là bi hài thế này.

Cách đây khoảng 4 năm tôi có tham gia 1 cái event dưới tư cách của 1 đơn vị tài trợ. Sau event thì BTC có mời nhà tài trợ + đối tác đi ăn một bữa thân tình. Về cơ bản thì bữa ăn diễn ra suôn sẻ, trừ một chi tiết.

Hôm đó anh trưởng BTC là CEO của 1 cty lớn, anh này có đi cùng 1 bạn nhân viên. Anh ấy có giao bạn nhân viên gọi đồ ăn. Tưởng chừng như chuyện gọi đồ nó đơn giản như con muỗi thôi, nhưng bé nhân viên nó làm mọi chuyện trở nên cực kỳ phức tạp.

Hôm ấy có khoảng 12 người, chia làm 2 bàn. Theo lẽ thường thì một mâm cỗ điển hình sẽ có khoảng 4-5 món mặn + 1-2 món canh rau. Tất nhiên con số này sẽ còn thay đổi tùy thuộc vào khối lượng đĩa thức ăn của từng nhà hàng.

Tuy nhiên, hôm ấy con bé nó gọi cho 13 món mặn + 2 món rau, tất cả mỗi món nhân 2 bàn. Đĩa nào cũng to đùng đầy ụ thức ăn.

Đương nhiên là cái khối lượng đồ ăn này phải vượt sức ăn của mọi người ít nhất là 2 lần. Đến lúc đồ ăn ra được 1 nửa là mọi người đã no lắm r, nửa sau gần như cả bàn không động đũa.

Mà kể cả trong 13 món mặn cũng có rất nhiều bất cập, ví dụ như việc có tận 3 món tôm (hấp, nướng lụi, chiên bơ).

Đáng lẽ hóa đơn tiếp khách với số lượng người như vậy, trong không gian nhà hàng như vậy, ăn uống bét nhè thì cũng chỉ đến tầm 400k/người là quá thoải mái rồi, tổng khoảng 5tr là căng. Nhưng sau cùng thì bill lên tới mười mấy triệu, đồ ăn thì thừa mứa, mà toàn mấy đồ hải sản đem về nhà ăn cũng không ngon.

Bill này do cá nhân anh CEO ấy trả, trong lúc ăn tôi cũng tự hỏi liệu không biết anh ấy có xót tiền không. Lúc ăn thì mọi người vẫn vui vẻ, chỉ cười đùa là nhiều đồ quá ăn không hết.

Sau đó mấy tháng, tôi nghe hóng được là bé nhân viên đó bị cho nghỉ việc ngay sau đợt event đấy.

Ở đây chúng ta không bàn về việc tại sao cô bé kia bị cho nghỉ, tốt nhất là k nên đoán bừa, vì có thể có rất nhiều nguyên nhân khác. Về cơ bản thì gọi đồ ăn k phải là chuyên môn của cô bé, nên có muốn trách thì cũng chả biết phải trách thế nào. Ở đây có lỗi rất lớn của a Sếp trong quy trình giao việc, giao việc sai người, giao việc không có yêu cầu hoặc hướng dẫn cụ thể, nhưng bỏ qua chuyện anh Sếp nhé.

Ở đây tôi muốn bàn đến khía cạnh kinh nghiệm sống của người trẻ.

Những cái chuyện rất nhỏ như đi ăn thì phải biết gọi đồ, mua hàng thì phải biết cách khảo giá mặc cả, ra đường hỏng xe thì phải biết nên gọi cứu hộ hay dắt xe đến chỗ sửa,… Tất cả những thứ ấy gọi chung là kinh nghiệm sống.

Chắc không cần nói nhiều thì ai cũng hiểu được giá trị của những kinh nghiệm sống ấy, càng nhiều kinh nghiệm thì càng dễ sống.

Người mà ít kn sống thì thường phải sống khu trú trong một môi trường quen thuộc nào đó. Tách ra một môi trường mới thì thường lơ ngơ láo ngáo, làm ra những chuyện bi hài như cô bé ở trên.

Vấn đề là, có một bộ phận người trẻ lại tỏ ra coi thường những việc nhỏ như vậy. Họ cho rằng họ chỉ cần giỏi kiến thức trong lĩnh vực của họ thôi, đó mới là việc quan trọng.

Tuy nhiên, phải khẳng định một điều như sau: coi thường là đặc quyền của kẻ mạnh, mạnh ở đây hiểu là rất giỏi hoặc rất giàu.

Với người giàu, họ có thể bù đắp rất nhiều thứ bằng Tiền.
Với người giỏi, thế giới có thể bỏ qua mọi thứ ngáo ngơ vì tài năng của họ. Mà tôi nói giỏi ở đây, nghĩa là giỏi hơn rất nhiều so với mặt bằng chung xã hội, là đến mức rất khó để thay thế ấy nhé.

Nhưng nếu bạn không rất giàu hoặc rất xuất sắc trong công việc, thì hãy ráng mà tích lũy thật nhiều kn sống. Những thứ đó sẽ là giá trị bổ sung, tạo ra tổng thể giá trị cho con người bạn, là một lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng cho mỗi người.

Muốn tích lũy được kn sống thì không phải cứ va vấp nhiều là được.

Kn sống được tích lũy qua quá trình trải nghiệm + đúc rút. Vấn đề là bạn học được điều gì qua mỗi lát cắt rất mỏng của cuộc sống.

Hôm nay ra chợ bạn có thêm bài học gì không? Hôm nay làm việc với khách hàng bạn có bài học gì không? Hôm nay bị sếp mắng bạn có bài học gì không?

Tất cả những thứ đó dần dần sẽ tạo ra một con người bản lĩnh, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, có khả năng thích nghi với mọi môi trường. Đó là một con người nhiều giá trị.

Chủ quán trà đá!

Exit mobile version