Liên tưởng ngẫu nhiên – Bài tập luyện viết đỉnh cao
Các bạn có thường xuyên nghe những phần trình bày của những diễn giả hàng đầu, các bạn có hay đọc những bài viết của những cây phím xuất sắc? Nếu có, bạn có bao giờ để ý đến cách họ gợi mở một vấn đề?
Ngày xưa, cái thời phổ thông, mình là chuyên gia viết mở bài theo kiểu trăm cái như một. Bài nào cũng mô típ “Trong thế hệ xyz có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng, nhưng nổi bật là nhà thơ abc, sau đây e xin làm bài kiểm tra để giới thiệu về ông ấy :))
Sau này, trong quá trình luyện viết, mình bắt đầu làm quen với những cách đặt vấn đề mới. Một trong những cách mình rất rất thích, đó là sử dụng phương pháp dẫn dắt từ liên tưởng ngẫu nhiên (LTNN).
LTNN ban đầu chỉ là một phương pháp sáng tạo. Phương pháp này buộc chúng ta phải tìm ra sự liên quan giữa những thứ rõ ràng là chẳng liên quan. Sự liên quan này có thể tồn tại dưới dạng “giống nhau” và “khác nhau”.
- Bạn đang đi taxi, hãy tự hỏi chiếc taxi này và cuộc đời mình có gì giống và khác nhau
- Bạn đang ngồi uống cafe, hãy tự hỏi cốc cafe và tình yêu có gì giống và khác nhau
- Bạn đang đạp xe, hãy tự hỏi việc đạp xe và phấn đấu sự nghiệp có gì khác nhau
Hôm nay là 19/11, là ngày quốc tế đàn ông, đồng thời là ngày quốc tế toiliet. Mặc dù nghe có vẻ cợt nhả nhưng đó là sự thật, ai k tin tra google thì biết :)) Vậy, giữa đàn ông và toilet có điểm gì liên quan?
- Đàn ông và toilet đều là nơi đón nhận nỗi buồn của phụ nữ. Nhưng đàn ông có thể nhận rất nhiều cùng 1 lúc, còn toilet thì không.
- Đàn ông và toilet đều muốn phụ nữ đặt mông lên ngồi. Trong một số trường hợp, đàn ông khác ngồi lên cũng được.
Như các bạn thấy, giữa 2 sự vật hiện tượng chẳng hề liên quan, bằng việc mở rộng góc nhìn, tăng cường tính liên tưởng, mình vẫn có thể tìm ra mối liên quan dù là nhỏ nhoi nhất. Cách đây vài tháng, mình có thử yêu cầu một số bạn tìm mối liên quan giữa luộc rau muống và quản trị doanh nghiệp. Để đo độ sáng tạo của bản thân, bạn thử dừng việc đọc lại 5p và suy nghĩ xem có ra được mối liên hệ nào không.
.
.
.
.
Dưới đây là 1 số mối tương quan mà mọi người đã tìm ra:
- Tuyển dụng nhân sự giống lúc nhặt rau
- Đào tạo nhân sự giống lúc rửa rau
- Sử dụng nhân sự giống lúc luộc rau.
- Môi trường làm việc áp lực cao, luộc rau nước sôi nhưng không được vừa luộc vừa đậy nắp, rau sẽ không đẹp. Nhân sự làm việc trong khuôn khổ nhưng không nên đóng hộp, mất đi tính sáng tạo.
- Rau chín rồi thì phải vớt họ sang môi trường khác, để lâu quá rau sẽ nhừ và thâm xì.
Nếu bạn thường xuyên sử dụng phương pháp LTNN để nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng xung quanh, đầu óc bạn sẽ vô cùng nhanh nhạy và tràn đầy sự thú vị. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dừng lại ở việc liệt kê các mối liên quan, bạn mới đạt được 50% tinh hoa của phương pháp này thôi.
LTNN là một phương pháp dẫn dắt và đặt vấn đề vô cùng tuyệt vời. Các bạn có thể đọc thử một bài viết của mình tại đây: Chuyện làm Sếp
Trong bài viết, mình mở đầu bằng câu chuyện trong bộ phim Trân Châu Cảng, sau khi phân tích các tình tiết trong phim đó, mình kéo về chủ đề chính là “chuyện làm sếp”. Rõ ràng, nếu ngay từ đầu mình chia sẻ thẳng vào chủ đề chính, bài viết vẫn sẽ đầy đủ ý nghĩa, tuy nhiên tính thuyết phục lại giảm đi nhiều.
Thêm một ví dụ khác: Quy luật Iphone
Trong bài này, mình đã tìm ra mối liên hệ giữa chiếc Iphone và Cuộc Sống. Rõ ràng, dẫn dắt và thuyết phục kiểu này nó xuôi tai hơn rất nhiều.
Tính thuyết phục của một bài viết không chỉ phụ thuộc vào lý lẽ được đưa ra trong bài, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của người đọc. Với một phương pháp dẫn dắt và đặt vấn đề khéo léo, bạn có thể thu được sự thích thú của độc giả, từ đó làm nền tảng rất tốt cho việc truyền tải thông điệp. Đó chính là bí quyết của các diễn giả và những cây bút nổi tiếng.
Nếu bạn muốn bàn luận về cuộc đời, sao không bắt đầu từ cảm nhận về một chuyến taxi. Nếu bạn đang muốn tâm sự về tình yêu, sao không thử phân tích một cốc cafe trước. Nếu bạn đang muốn chia sẻ kinh nghiệp về phát triển sự nghiệp, sao không minh hoạ bằng việc đạp xe.
Chốt lại, phương pháp LTNN là một phương pháp vô cùng tuyệt vời, vì trong cùng 1 bài tập, các bạn học được 2 thứ:
- Khả năng sáng tạo, tìm ra vấn đề
- Khả năng trình bày, diễn giải vấn đề
Tuy nhiên, thời gian đầu, bạn chỉ nên coi đây là 1 bài tập. Vì nhiều trường hợp, do liên tưởng 1 cách quá khiên cưỡng, nên thành ra có những điều sai về logic, dẫn đến ngụy biện….. Nhưng dù sao thì, sai thì mới có sửa ae nhề.
Chủ quán trà đá!