Thật sự là rất kì lạ khi một câu chuyện chứa đầy lỗ hổng logic lại được mọi người ca ngợi và truyền tụng trong một thời gian rất dài. Phải chăng vì nó đánh vào cảm xúc? Phải chăng vì nó làm cho người đọc trong 1 phút giây bỗng cảm thấy mình khôn ra?
Tóm tắt câu chuyện thì về cơ bản sẽ có 1 người đàn ông đến Ngân Hàng vay 1$, sau đó thế chấp 1 tài sản vô cùng giá trị. Có nhiều dị bản cho tài sản này (đó cũng là lý do mình cho rằng đây chỉ là mấy câu chuyện bịa), lúc thì là 1 chiếc oto siêu đắt, lúc thì là 1 lượng lớn cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Điều thú vị mà tác giả muốn nhấn mạnh là mục đích thật sự của người đàn ông. Ông ta không hề muốn vay 1$, ông ta chỉ muốn Ngân Hàng trông giữ tài sản hộ ông ấy. Không ở đâu có thể trông giữ tài sản với mức phí thấp như vậy, chỉ 6% của 1$ (lãi suất ngân hàng).
Bài học rút ra ở đây là cách tư duy ngược, tư duy không lối mòn, thoát ra khỏi định kiến, blabla. Cứ vài hôm mình lại thấy có người share câu chuyện kiểu này và rất tâm đắc.
Bài học thì không sai, nhưng câu chuyện thì rất có vấn đề.
Ngân hàng họ không làm từ thiện, họ kinh doanh. Họ cho vay lấy lãi, và phần lãi đấy phải tối thiểu bù được “chi phí cho vay”. Chi phí này bao gồm tất cả những thứ mà ngân hàng phải trả từ khi khách vay tiền đến khi khách trả nợ, bao gồm: phí nhân sự, cơ sở vật chất, marketing, phí vốn, phí thẩm định tín dụng, phí thẩm định tài sản, các loại hình bảo hiểm, … túm lại là cả một hệ thống vận hành để giúp khách vay tiền.
Ngày xưa mình rất thắc mắc, tại sao đi vay tiền ngân hàng mà trả sớm lại bị phạt, lúc trẻ con mình nghĩ rằng trả muộn mới chết chứ sao trả sớm lại bị phạt. Sau thì mình hiểu vấn đề rất đơn giản, nếu khách vay xong mà trả sớm, thì phần lãi thu của khách không bù đủ chi phí cho vay.
Vì vậy, chẳng ai cho vay 1$ để lấy lãi 6 cent. Khi mà chi phí nhân sự để cho vay khoản này có thể là hàng chục $.
Khi vay tiền bank thì có 1 khái niệm vô cùng quan trọng, đó là mục đích vay. Vay kinh doanh, vay mua bán tài sản lớn, vay tiêu dùng. Từng loại mục đích vay sẽ có điều kiện và lãi suất khác nhau.
Đối với vay tiêu dùng thì chúng ta có thể vay những khoản nhỏ nhỏ cỡ vài chục nghìn đến vài chục triệu. Thường thì khoản vay sẽ tồn tại dưới hình thức trả góp. Đặc điểm của loại này là không cần thế chấp, nhưng lãi thường sẽ cao, và tiền thường sẽ chuyển thẳng vào ví người bán chứ k chuyển cho người vay. Thị trường sẽ có nhiều hành động để kích thích chúng ta vay càng nhiều càng tốt, và đương nhiên là áp dụng trên quy mô lớn. Theo kiểu cho vay ít thì phải cho nhiều người vay và kích thích họ vay nhiều lần ấy.
Chi phí cho vay tiêu dùng thường sẽ thấp, vì ngân hàng dựa vào những hệ thống đánh giá tín dụng tự động để cho vay, vì chi phí thấp nên có thể cho vay số lượng ít. Nhưng túm lại là chẳng ai tự dưng cho bạn vay 1$ chỉ để lấy lãi 1 lần là 6cent.
Nhưng điều ngu ngốc nhất là ở phần tài sản cầm cố. Ngân hàng thường chỉ giữ giấy tờ đảm bảo, chứ không giữ tài sản. Dù là đất đai nhà cửa hay xe cộ, bank cũng chỉ cầm giấy tờ gốc.
Nếu trong trường hợp bank có giữ tài sản, thì họ cũng phải thu phí trông giữ. Bạn bị công an giao thông phạt giữ xe, ngoài khoản phạt theo luật, bạn còn phải nộp phí lưu kho/bến bãi/bảo quản. Chứ ngồi đấy mà tưởng tượng ra công an với ngân hàng họ giữ hộ.
Túm lại, nhìn qua thì ai đó có thể thấy một bài học về tư duy, nhưng tôi chỉ thấy sự ngốc nghếch và khôn lỏi, nghĩ rằng mình khôn hơn thiên hạ.
Có 2 kiểu bài học, 1 là nhìn thấy một việc thực tế rồi rút ra bài học, 2 là có sẵn bài học, rồi sau đó bịa ra một câu chuyện để minh họa cho bài học đó. Tôi đoán câu chuyện trên thuộc kiểu số 2.
Cứ giả sử như ở 1 nơi nào đó thực sự có câu chuyện như vậy từng xảy ra, thì nó cũng chỉ đơn giản là một hành vi dựa vào một lỗ hổng tại một ngân hàng cụ thể nào đó, nó không thể hiện cho trí tuệ của người gửi, nó đại diện cho sự ngu ngốc của người cho vay. Nếu muốn câu chuyện này thành thật, bạn vui lòng ghé tiệm cầm đồ, nhưng không chắc ở đó sẽ bảo quản tốt tài sản của bạn đâu.
Quán trà đá không bán trà trả góp!