https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2019/05/tam-the-nguoi-di-hoc-1-740x493.jpg

Nghịch lý trong các lớp học & Những con người trân trọng kiến thức

nghịch lý trong các lớp học

(Sinh viên hoặc người mới ra trường nên đọc)

Hôm nay rảnh rỗi không phải đi khách, mình muốn viết vài dòng tâm sự về cái sự học và tâm thế đi học. Trong quá trình mình gặp gỡ anh em, bạn bè, đối tác, học viên, rất nhiều lần mình được hỏi những vấn đề kiểu như:

  • Bây giờ nên đi học cái gì?
  • Giờ cần học Facebook, Google, Content thì nên học ở đâu?

Thực sự mình rất ngại trả lời những câu hỏi dạng như vậy. Không phải vì mình không biết chỗ nào dạy tốt để chỉ cho mọi người, mà đơn giản là vì mình không biết thực sự người đó đang tìm kiếm điều gì, không biết khóa học nào thực sự phù hợp với nhu cầu của người đó. Cách đây một thời gian, sếp cũ Nguyễn Thị Hường của mình đã viết một bài chia sẻ rất chất về việc chọn lớp học. Mọi người có thể đọc thêm bài viết của chị ấy TẠI ĐÂY .

tâm thế người đi học

Trong phạm vi bài viết này, hãy mặc định là mọi người đã tìm được khóa học tốt, thực sự đúng với nhu cầu và khả năng của bản thân. Hôm nay, mình sẽ tiếp cận cấn đề với một góc nhìn khác: TÂM THẾ CỦA NGƯỜI ĐI HỌC.

Tâm thế của người đi học

Tư thế là trạng thái của cơ thể, mỗi trạng thái sẽ giúp bạn có khả năng đón nhận các ngoại lực khác nhau. Tư thế tốt giúp bạn đứng vững không bị ngã, tư thế tốt giúp bạn đỡ được đòn của đối thủ trong một cuộc chiến. Tâm thế chính là tư thế của tinh thần. Tâm thế tốt giúp bạn đón nhận kiến thức tốt, tâm thế không tốt khiến bạn đi học tốn thời gian mà không thu được gì.
 Tâm thế chính là tư thế của tinh thần

Thường trong các lớp học sẽ có 2 nhóm học viên chính:

  • Nhóm 1- Những người chưa có kinh nghiệm: sinh viên, người mới ra trường, người làm nghề dưới 1 năm,..
  • Nhóm 2- Những người có kinh nghiệm: người làm nghề trên 3 năm, level leader/manager, chủ doanh nghiệp, chuyên gia,…

Đáng lẽ, các bạn ở nhóm 1, là những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm hơn, phải là những người khao khát kiến thức hơn, phải là những người hào hứng với lớp học hơn. Tuy nhiên, có một sự thật mà mình cho là nghịch lý, đó là thường trong 1 lớp học:

  • Nhóm 1 là những người thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thậm chí là thiếu tiền nhất. Nhưng lại là những người thường thờ ơ với lớp học nhất.
  • Nhóm 2 là những người đã có kinh nghiệm, đã có nhiều kiến thức, có những thành công nhất định, thậm chí là có nhiều tiền. Sự thực là những người ở nhóm 2 thường là những người học chăm chỉ hơn, là những người trân trọng kiến thức hơn.

Để giải thích cho thực trạng này, cũng không phải là quá khó. Có thể cho rằng, các bạn ở nhóm 1:

  • Vì nền tảng kiến thức còn chưa dày, nên khả năng tiếp thu kiến thức cũng chưa tốt.
  • Vì các bạn cũng chưa được triển khai thực tế nhiều, nên cũng không biết đâu là kiến thức có thể dùng được, đâu là lý thuyết thuần.
  • Vì các bạn chủ yếu tiếp cận công việc ở góc độ triển khai, nên luôn luôn muốn học những kiến thức mang tính thủ thuật, muốn học cái gì mà có thể về áp dụng được ngay, bán được hàng ngay.

Các bạn ở nhóm 2 thì lại khác.

  • Họ có nền tảng kiến thức tốt, nên học nhanh ngấm
  • Họ có trải nghiệm trong công việc, nên biết đâu là kiến thức mình có thể dùng thực tế, đâu là kiến thức giúp bản thân phát triển tư duy
  • Họ học nghiêm túc, để truyền đạt lại kiến thức cho nhân sự cấp dưới.

Trong khóa học Digital MasterClass của mình mới kết thúc cách đây ít hôm:

  • Người hỏi giảng viên nhiều nhất là chị Mây Mây – Chuyên gia tư vấn về Marketing
  • Người đi học chăm nhất là anh Nguyen Hoang Minh, em Nguyễn Đắc Trung Hiếu – Chủ Doanh Nghiệp
  • Người tiếc tiền học nhất là chị Phan Lan Hương và chị Chi Vuong: Cty có việc không đến lớp được, ở nhà vẫn nhờ người livestream nghe giảng đầy đủ – không biết làm gì trong DN nhưng chắc chức to lắm
  • Người đi học xa nhất là a Trung Black, hàng ngày đi xa 90km để đi học, không bao giờ đi muộn về sớm, chỉ nghỉ duy nhất 1 buổi – Chủ Doanh Nghiệp

Trên đây chỉ là một vài ví dụ, chứ trong lớp còn rất nhiều người chăm chỉ khác nữa, đó đều là những con người rất trân trọng kiến thức, là những người có TÂM THẾ đi học rất tốt.

tâm thế người đi học

Vậy làm sao để có TÂM THẾ đi học tốt? Hãy ghi nhớ 2 điều sau:

1. Luôn phân loại kiến thức

Phàm là kiến thức, mọi kiến thức trên đời này đều quý giá. Chỉ là liệu chúng ta có nhìn ra giá trị của nó, có thể tận dụng được nó hay không. Kiến thức có mấy dạng:

  • Kiến thức có thể ứng dụng vào công việc ngay: thường là các kiến thức dạng tip trick, mẹo, quy trình, thông tin mới, template mẫu, casestudy, kiến thức ngành, kỹ thuật,……
  • Kiến thức giúp bạn hình thành tư duy: thường là những lý thuyết, quy luật cơ bản về Marketing.
  • Kiến thức giúp bạn chém gió tốt hơn: là tất cả những kiến thức ở trên. Biết càng nhiều thì càng chém gió tốt, biết ít thì lấy gì mà chém, thế thôi, thế mới bảo kiến thức nào cũng quý.

2. Kiến thức đôi khi phải chắt lọc, chứ không tự nhiên mà có

Điều này có nghĩa là, trong một lớp học, rất khó để 100% kiến thức của giảng viên truyền đạt là có giá trị đối với bạn. Có 2 lý do:

  • Một là có thể bạn đã biết 1 phần. Trừ khi bạn thuộc nhóm sinh viên chưa biết tí nào, thì đi học mới thấy lạ lẫm từ đầu đến cuối
  • Hai là một kiến thức chung không thể áp dụng cho tất cả mọi ngành, mọi mô hình và quy mô DN

Vì thế, để tìm ra kiến thức có giá trị, bạn buộc phải tự chắt lọc. Không biết mọi người thế nào, nhưng đối với mình, học cả 1 khóa học, đọc cả 1 quyển sách, chỉ cần lưu lại được 1-2 điều có giá trị là đã quý lắm rồi. Tự bạn phải là người tổng hợp lại kiến thức, biến nó thành tư duy và kĩ năng của mình.

Năm 2013, mình có tham gia lớp học “9 Bước lập kế hoạch truyền thông” của anh Nguyễn Ngọc Long. Thực sự đến bây giờ, nếu bảo mình kể vanh vách 9 bước đó thì mình cũng không kể được ngay. Và cũng không phải dự án nào mình cũng làm kế hoạch theo 9 bước bài bản như được học. Nhưng giá trị kiến thức mà mình chắt lọc được sau khóa học, chính là một hệ tư duy lớn, ứng dụng vào toàn bộ các hoạt động Marketing mà mình tham gia. Tư duy đó rất đơn giản: khi cần làm 1 chiến dịch truyền thông, phải bắt đầu từ Mục tiêu, rồi đến đối tượng truyền thông, rồi mới đến thông điệp/ý tưởng truyền thông, rồi mới đến kênh/vật phẩm truyền thông, rồi là triển khai đánh giá. Tư duy đó đã theo mình trong suốt 5 năm nay, và mình luôn trân trọng nó.

Trên đây là vài dòng chia sẻ vừa lan man vừa mang đậm tính chủ quan của mình. Hy vọng mọi người sẽ đi học hiệu quả, tránh lãng phí thời gian và công sức

-Hà Nội, 19/11/2018-

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.