Quán trà đá Digital Marketing

Ở nhà không dạy thì cũng đừng mong đời dạy.


Lúc còn bé tí tôi có 1 nhỏ bạn thân, thân kiểu thanh mai trúc mã ấy. 2 gia đình làm cùng cơ quan với nhau, nhà gần nhau, tôi và nhỏ lại học chung trường, 2 đứa đều gọi phụ huynh bên kia là bố mẹ,…thân càng thêm thân. Cứ cuối tuần là bố mẹ cho tôi sang nhà bên kia chơi hoặc ngược lại, trong tuần thì nhà nào tiện là đón luôn 2 đứa.


Mọi thứ khá là ok từ mẫu giáo đến hết cấp 1. Từ khi bước vào cấp 2, cuộc đời tôi và bạn kia bắt đầu rẽ thành 2 hướng. Trong khi tôi vẫn tập trung học hành và khám phá 1 số đam mê trẻ con (đọc truyện, xem phim,…), thì bạn kia bắt đầu chơi với nhiều bạn lạ, tụ tập ăn chơi kiểu có xu hướng đua đòi.


Đến khi tôi vào cấp 3 là 2 nhà đã ít qua lại với nhau rồi. Bạn kia đua đòi ăn chơi, nhiều lần vay/xin tiền của tôi hoặc bố mẹ tôi. Nhiều đến mức mà bố mẹ bên ấy phải gọi cho 1 loạt bạn bè dặn là: “Nếu M nó vay tiền thì đừng ai cho nhé”.


Và cái gì đến cũng phải đến. Gia đình bên ấy trượt dài trong bất hạnh. Con bé M không học hành, việc làm không ổn định, có 3 đứa con với 3 người đàn ông khác nhau. Đi 1 vòng cuộc đời, cuối cùng vẫn là về báo gia đình để bố mẹ nuôi. Cha mẹ già vẫn phải đi làm công việc chân tay để nuôi con nuôi cháu.
Hiện tại nhà bên ấy đã bán nhà âm thầm chuyển đi nơi khác. Gần như cắt đứt mọi mối quan hệ. Vì sao? vì buồn vì tủi chứ còn sao nữa. Mỗi lần người quen hỏi kiểu “con M dạo này sao r”, thì khác gì dao cứa vào tim.


Thương bố mẹ bên ấy rất nhiều. 2 người hiền lành tử tế, tuy nhiên việc thiếu dạy dỗ khiến con hư hỏng thì 2 người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cứ bảo cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhưng tính nào cũng cần môi trường để phát triển, cha mẹ không uốn nắn thì tính tốt cũng thui chột mà tính xấu thì càng thêm xấu.


Ngày còn bé, mẹ tôi dạy rất kĩ về việc cái gì là của mình, cái gì là của người khác, đâu là giới hạn của việc đòi hỏi xin xỏ…


Nhà bên kia thì không, con bé nó rất hay đòi. Nó xin xỏ bố mẹ nó và tất cả mọi người xung quanh. Mỗi lần bố tôi đón 2 đứa là nó đòi hết cái này đến cái nọ. Tất nhiên trẻ con thì đứa nào chả thế. Nhưng vấn đề là bố mẹ không điều chỉnh cái bản năng đó, để rồi khi lớn lên con bé nó chỉ làm mọi thứ theo sở thích, thích cái gì là đòi làm bằng được.


Khi thấy tôi xin xỏ cái gì người khác, mẹ tôi luôn chú ý và sẵn sàng can thiệp nếu tôi xin cái gì đó quá giới hạn, hoặc nếu thấy tôi làm phiền người ta. Còn nhà bên kia thì không, lúc bé chả bao giờ thấy mẹ bên ấy can thiệp nhắc nhở.


Năm tôi học cấp 3 và đại học, nhiều lần con bé gọi cho từng người trong nhà tôi vay/xin tiền, chả biết để làm gì, nhưng về cơ bản cũng là giải quyết hậu quả ăn chơi mà thôi.


Rồi đến khi bố mẹ nhận ra rằng con đã đủ lớn để tự ý làm những thứ nó thích, thì lúc đó đã là quá muộn để uốn nắn. Tất nhiên là còn nhiều thứ tác động, có thể do hoàn cảnh, có thể do kẻ xấu rủ rê. Nhưng khi con có những nhận thức lệch lạc về nhân sinh quan cơ bản thì bố mẹ không thể nào chối bỏ trách nhiệm.
Nếu bạn tin rằng trái đất hình cầu, rồi tôi đưa cho bạn 1 bằng chứng đủ thuyết phục, thì ok bạn có thể thay đổi niềm tin.


Nhưng tính cách thì không như vậy, nó được hình thành trong 1 khoảng thời gian dài và không dễ gì để thay đổi. Kể cả khi những hậu quả đã hiện hữu, thì thay đổi tính cách vẫn là 1 thử thách rất khó để vượt qua.


Vậy nên nuôi dạy một đứa trẻ là một công việc thiêng liêng. Những gì cha mẹ dạy cho con trong 15 năm đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phần đời còn lại của mỗi con người. Trẻ con thì biết gì đâu, nhưng bố mẹ thì không thể lấy cái đó làm cái cớ cho sự thiếu giáo dục.


Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung vẫn sống phụ thuộc nhiều vào gia đình. Nếu con cái không có một cuộc sống tốt thì cha mẹ khó mà an nhiên. Dạy dỗ và chứng kiến con trưởng thành cũng là 1 loại hạnh phúc. Hãy tận dụng thời gian để tận hưởng hạnh phúc này một cách triệt để.


Chủ quán trà đá!

Exit mobile version