QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN – VỎ BỌC CỦA SỰ NÉ TRÁNH?
Tôi để ý rằng, mỗi khi có các vấn đề cần tranh luận xảy ra trên mạng, thì tôi rất hay nhìn thấy câu “Quan điểm cá nhân thôi nhé”.
Trong một số trường hợp, đây là câu nói thể hiện sự khiêm cung, ý là tôn trọng quan điểm của đối phương(hoặc đối thủ).
Nhưng trong rất nhiều trường hợp, đây là câu nói được đưa ra chỉ để trốn tránh việc tranh luận.
Vậy, Quan điểm cá nhân (QDCN) là g? Có cần thiết phải thêm câu đó vào khi trình bày quan điểm không? Nếu có thì lúc nào cần thêm, lúc nào không?
- Quan điểm cá nhân là gì
QDCN không phải là ý kiến của một cá nhân. Nếu hiểu như vậy thì tôi thấy đơn giản quá. Nói thế thì bất cứ một phát ngôn nào của mọi người cũng là QDCN. Tôi thì không chọn cách hiểu như vậy.
Tôi đã thử search trên google và tóm được 1 bài viết trên VNexpress như này: “Quan điểm cá nhân là cách bạn suy nghĩ, đánh giá một vấn đề xã hội hoặc xu hướng. Vì quan điểm cá nhân mang tính chủ quan, nên nó không có khái niệm đúng hoặc sai.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với cách hiểu trên. Tuy nhiên tôi vẫn thấy nó thiếu thiếu cái gì đó. Vậy nên tôi xin đưa ra một cách hiểu của riêng tôi: “QDCN là 1 ý kiến mang tính hoàn toàn chủ quan và không bị ảnh hưởng bởi logic”
Trong cách hiểu này tôi muốn NÊU BẬT keyword LOGIC.
Logic là những phép suy luận nhân quả hợp lý mà không ai có thể bắt bẻ. Nếu một phép suy luận có thể bị bắt bẻ, tức là nó chưa đủ logic, thế thôi.
Tôi sẽ lấy một ví dụ cực đơn giản, ví dụ này tuy nó hơi ngớ ngẩn nhưng lại toát lên được tinh thần của logic.
Giả sử tôi đưa ra một câu nói thế này: “Nếu anh bẻ đủ mạnh thì cái bút chì đó sẽ gãy”
Đây chính là một câu nói thể hiện một suy luận logic. Câu nói này rất khó để bắt bẻ, vì nó vốn dĩ chẳng thể sai được. Nó giống như những câu nói kiểu:
- Nếu ăn nhiều quá thì sẽ vỡ bụng.
- Nếu thực sự ch.ết rồi thì không thể sống lại.
Chính vì nó là một phép suy luận có logic, nên dù nó được đưa ra bởi một cá nhân, thì riêng tôi sẽ vẫn không coi nó là QDCN. Logic là của chung nhân loại, thậm chí là của chung cả vũ trụ.
Phàm những cái gì thuộc về logic, thì phải giống nhau giữa tất cả mọi người. Nếu hai người đưa ra 2 phép suy luận logic khác nhau, thì chắc chắn 1 trong 2 cái là sai, hoặc 2 người đang suy luận trong hai “kho dữ kiện và hệ quy chiếu” khác nhau. (Đọc thêm về cái này ở bài viết cuối post)
Sang một trường hợp khác, giả sử tôi nói một câu như này: “Nếu anh bẻ mạnh thì cái bút chì đó sẽ gãy”.
Câu nói này chỉ khác câu nói ở trên ở 1 chữ “đủ”. Nhưng thiếu 1 chữ thôi, đã có thể biến 1 “suy luận logic” thành “quan điểm cá nhân”. Vì câu nói này được đưa ra dựa trên lịch sử trải nghiệm của người nói. Nó thuần túy là một niềm tin.
Tuy nhiên, vẫn câu nói đó, nhưng người nói lại đưa ra được 1 loạt các bằng chứng tạo ra tính logic của phép suy luận. Thì lúc này, nó lại là một phép suy luận logic chứ k phải QDCN nữa.
Ví dụ: “Tôi đã từng thấy anh ta bẻ một thanh sắt cực dễ dàng, anh ta khỏe hơn tôi nhiều lần, mà cây bút chì này tôi bẻ dễ dàng, vậy nếu cây bút chì của anh ta và của tôi giống nhau, thì anh ta bẻ mạnh một phát là cái bút chì đó sẽ gãy thôi”.
2. Khi nào thì nên thông báo “đây là quan điểm cá nhân”.
Cứ chiếu theo cách hiểu ở phần trên, thì ta sẽ dùng từ QDCN khi:
- Ta đưa ra những nhận định không xuất phát từ logic, nó xuất phát từ niềm tin thuần túy nhiều hơn là từ những nghiên cứu được thiết lập cẩn thận.
Ví dụ: Tôi tin rằng làm việc xấu thì trước sau cũng chịu hậu quả. - Ta đưa ra những cảm nhận cá nhân. Ví dụ: Tôi thích chiến dịch này, tôi ghét nhãn hàng kia. Tôi thấy mặc vậy là xấu, tôi thấy mặc vậy là đẹp. Tôi thấy món đó ngon, tôi thấy món đó dở,… Tôi chẳng cần 1 logic nào để giải thích việc tôi thấy 1 món ăn ngon, tôi chẳng cần 1 logic nào để giải thích 1 chiếc váy xấu. Cùng 1 chiếc váy, ngày xưa thấy xấu, giờ thấy đẹp, chẳng cần logic.
- Ta đưa ra những lời khuyên hoặc yêu cầu theo góc nhìn cá nhân. Ví dụ: Theo QDCN của tôi thì bạn nên xin lỗi người ta đi.
Tuy nhiên, như đã nói ở phần đầu, tôi thấy có rất nhiều người đang nhét chữ QDCN vào những cái không thực sự là QDCN, dùng nó như 1 cái cớ để né tránh tranh luận.
Chúng ta không thể áp QDCN nếu: - Chúng ta đang nói về những điều có hệ quy chiếu rõ ràng.
Ví dụ: Theo QDCN của tôi thì anh ta phạm pháp.
Pháp luật có căn cứ của pháp luật, có phạm pháp hay không phải dựa vào việc đối chiếu bản chất hành vi với các quy phạm pháp luật, chứ k thể dựa trên quan điểm của 1 cá nhân. Nếu nói: “theo QDCN của tôi thì anh ta làm vậy là rất tệ”, nói vậy thì được. - Chúng ta đang nói về những điều cần có thống kê khoa học.
Ví dụ: Theo QDCN thì vaccin đang gây hại cho xã hội nhiều hơn là có lợi.
Lợi hay hại thì cần có nghiên cứu thống kê rõ ràng. Đây là một kết luận cần phản biện qua lại đến khi đào sâu được hết những góc cạnh của vấn đề.
Bạn có thể nói “Theo QDCN thì tôi thích/ghét vaccin”, vì nó là niềm tin và sở thích của bạn. Nhưng khi nói về tác động của nó lên xã hội, bạn cần những suy luận logic hơn là cảm nhận cá nhân.
Vậy nhưng nhiều người cứ đang tranh luận lại thả một câu “Quan điểm cá nhân thôi nhé”. Bản chất của hành động này đôi khi là tự tạo một lớp vỏ bảo vệ để tránh việc bị phản biện. Mình thấy như vậy không hay chút nào.
Túm lại, chỉ nên thông báo về QDCN nếu như đó là một kết luận mang tính cảm nhận cá nhân của bạn, nó không cần logic, nó không cần chứng minh. Đừng đem QDCN ra làm vỏ bọc cho sự né tránh tranh luận.
Một tip nhỏ để nâng cao năng lực phản biện và tranh luận trên mxh, đó là hãy hạn chế thêm cụm “ý kiến riêng” hoặc “quan điểm cá nhân”.
Nó không hẳn là sai, mà khi bạn dùng những cụm từ đó quá thường xuyên thì bạn có thể sẽ bị thiếu tính trách nhiệm trong phát ngôn của mình. Đôi khi nó như là một vỏ bọc để các bạn né tránh ý kiến trái chiều. Chính bản thân các bạn đang đi nêu ý kiến, nhưng lại ngại phản biện. Điều đó khiến bạn có thể sẽ thiếu cẩn trọng trong và dễ đưa ra những nhận định mang tính phán xét và quy chụp.
Chỉ nên dùng những cụm từ đó trong trường hợp bạn đang nêu ra cảm nhận cá nhân (xấu, đẹp, yêu, ghét,…), hoặc bạn nêu ra góc nhìn bối cảnh (ví dụ: từ góc nhìn của một người….thì tôi thấy…..),… thì đó chính là quan điểm cá nhân. Quan điểm chính là vị trí quan sát mà.
Nói chung là thử bỏ mấy cụm từ ấy đi, tự nhiên sẽ thấy phát ngôn áp lực hơn, từ đó mà năng lực phản biện cũng dần dần tốt hơn, ý kiến riêng thôi.