https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2020/01/nhung-hinh-anh-nhuc-long-nguoi-xa-que-ngay-tet.jpg

THẾ HỆ SAU SẼ KHÔNG CÓ TẾT?

Hôm nay trời lạnh đột ngột, lại đúng ngày ông Công ông Táo. Ra đường thấy người ta bán hoa bán quả, người người đi lại tấp nập, đâu đó vang vang mấy bài hát xuân rộn ràng. Tự nhiên trong người cũng thấy chút bồi hồi…..Tết về thật rồi.

Với bản thân mình, Tết không phải là dịp quá đặc biệt. Ăn uống thì bây giờ có thiếu gì đâu, muốn ăn cái gì và ăn lúc nào chả được. Quây quần họ hàng thì cũng không phải chỉ có mỗi dịp tết. Mình có quê Bố quê Mẹ không ở quá xa, chỉ loanh quanh 100km, nên năm nào cũng về vài lần. Vậy là rõ ràng Tết chả phải là dịp gì đặc biệt trong năm cả (với bản thân mình). Nhưng tại sao, mỗi năm đến sát tết, mình vẫn cảm thấy có gì đó khác biệt.

Cái gọi là “CẢM GIÁC TẾT”, không phải là một cảm giác được sinh ra trong hiện tại, Tết là một cảm giác đã được sinh ra trong quá khứ, và cảm giác của ngày hôm nay chỉ đơn giản là do bạn đang nhớ lại cảm giác của ngày xưa mà thôi.

Đối với những thế hệ 9x đời đầu đổ về trước, ai cũng đã từng trải qua những cái TẾT đúng nghĩa. Tết là dịp mà chúng ta sẽ mong ngóng được mua quần áo mới. Tết là khi chúng ta thích thú bóc những hộp mứt tết ngon lành. Tết là dịp bọn trẻ con rủ nhau đốt pháo um cả xóm. Tết là dịp chúng ta tổng kết tiền lì xì mỗi ngày nhiều lần hơn cả số lần đi tiểu. Tết là dịp quây quần rửa lá, vót lạt, nấu bánh chưng.

Với tất cả những điều thích thú đó, với mỗi đứa trẻ, TẾT thực sự đặc biệt. Cả tuổi thơ, chúng ta được trải nghiệm những cảm xúc đó mỗi năm một lần. Nó sâu đậm, in chặt vào trí não chúng ta.

Giờ đây, mỗi dịp tết đến xuân về, mỗi khi những ca khúc như “Happy new year” được bật lên, mặc dù ta thừa biết là lời của ca khúc không hề phù hợp với ngày tết của chúng ta, nhưng có sao đâu, quan trọng là cảm giác nó mang lại, không bật bài đó mới là mất tết.

Những giai điệu như “xuân xuân ơi xuân đã về”, “tết tết tết tết đến rồi”, cũ rích và nhàm chán, nhưng mỗi lần nghe, bao cảm xúc thơ ấu lại ùa về. Đó là cái cảm xúc mà ngày tết dương lịch không mang lại cho chúng ta. Đâu ai bật nhạc xuân vào ngày 31/12 dương lịch. Những bài nhạc tết ra mắt gần đây, uh thì cũng có bài hay đấy, nhưng mãi mãi không thể thay thế được nhạc xưa. Vì dù nó có hay đến cỡ nào, cũng không thể gợi nhớ những cảm xúc thời thơ ấu.

Như vậy, Cảm giác tết là một thứ phải có quá trình tích lũy. Với trẻ con ngày nay, trong bối cảnh xã hội đủ đầy, làm thế nào để chúng cảm nhận được cái không khí tết đúng nghĩa. Làm thế nào để bọn trẻ con thấy có điều gì đó thật đặc biệt mỗi dịp xuân về?

Sự lặp lại khác biệt chính là từ khóa. Cha mẹ phải cho con cái những cảm giác riêng biệt lặp lại vào mỗi dịp tết, thì sau này lớn lên trong ký ức tụi trẻ mới có Tết. Đó có thể là bất cứ một thói quen nào, như: tập trung hát karaoke và hát đi hát lại 1 bài, là cùng nhau chơi 1 trò gì đó, là cùng nhau đi thăm họ hàng,…

Nếu không làm được những điều đó, cảm giác tết thật sự sẽ chỉ là những câu chuyện huyền thoại mà cha ông kể lại cho con cháu. Rồi thì vài chục năm nữa, khi các thế hệ xưa cũ lùi dẫn vào dĩ vãng, lúc đó liệu có còn TẾT, hay chỉ còn một dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm.


Nguồn ảnh: soha

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.