https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2020/03/https___api.thedrive.com_wp-content_uploads_2018_06_ford-v-ferrari-740x493.jpeg

TRONG MỘT CUỘC ĐUA, AI SẼ VỀ ĐÍCH TRƯỚC?

Giả sử tất cả mọi người cùng tham gia một cuộc đua, việc ai về đích trước chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố: PHƯƠNG TIỆN & KỸ THUẬT

Ví dụ như một cuộc đua xe công thức 1, bên cạnh kỹ thuật siêu hạng của các tay đua thì xe của hãng nào xịn hơn thì đội đấy có khả năng thắng cao hơn.

Thử so sánh một chút, nếu sự nghiệp của mỗi chúng ta là một cuộc đua thì sao? Một siêu công trình cũng phải bắt đầu từ viên gạch đầu tiên. Một sự nghiệp lẫy lừng cũng phải bắt đầu từ vị trí học việc. Vậy trong một cuộc đua sự nghiệp, ai sẽ là người về đích trước.

So với một cuộc thi trong trường đua, cuộc đua trong thực tế khắc nghiệt hơn rất rất nhiều lần. Trong trường đua, BTC luôn đề cao tính công bằng, tối giản mọi tác động từ phía bên ngoài, để các tay đua tập trung so tài kỹ thuật.

Nhưng trong thực tế, không có cuộc đua nào là công bằng, mọi biến số đều được thêm vào. Các bạn không xuất phát giống nhau, không có phương tiện giống nhau, cung đường đi khác nhau, thậm chí cả cái đích của các bạn cũng khác nhau nữa.

Có 4 yếu tố quyết định xem ai là người về đích trước:

1. Xuất phát điểm
Trong thực tế, mọi người không xuất phát cùng 1 lúc khi nghe thấy tiếng súng báo hiệu cuộc đua bắt đầu. Mọi người không cùng lúc xuất phát khi ra trường. Không, không phải như thế.

Có người xuất phát khi học xong đại học, có người xuất phát từ khi mới năm 2, có người thậm chí là xuất phát từ khi còn học cấp 3.

Trong cuộc đua sự nghiệp, thời điểm có thể tính là bạn bắt đầu xuất phát, đó là lúc bạn tìm ra mục tiêu cho công việc và bắt đầu quá trình học tập để đạt được mục tiêu đó.

Các bạn nhớ, chúng ta chỉ tính xuất phát điểm khi bạn có cả 2 yếu tố đó: mục tiêu, và những hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu.

Vì vậy, trong thực tế, có những bạn đã đi làm 2 năm, 3 năm nhưng còn chưa được gọi là xuất phát. Làm nhưng không có mục tiêu, không có định hướng, và đương nhiên cũng không có nỗ lực để hướng tới cái đích nào cả. Trong khi có những bạn trẻ hơn rất nhiều đã miệt mài hướng về đích rồi.

Muốn về đích sớm, hãy xuất phát sớm.

2. Cung đường
Trong một cuộc đua xe, các tay đua thường được chỉ định sẵn cung đường. Tất cả mn cùng đi cung đường như nhau. Nhưng trong thực tế, có người đi trên đường thẳng, có người đi con đường ngoằn ngoèo. Có người con đường đầy sỏi đá như đường lên Hà Giang, có người con đường phẳng lặng như cao tốc Hải Phòng.

Cung đường đại diện cho những ngoại cảnh cuộc sống tác động lên chúng ta. Có người chỉ phải lo cho bản thân, tập trung phát triển sự nghiệp. Có người phải lo gánh nặng tài chính, lo cho người khác. Đôi khi một quyết định đưa ra, phải cân nhắc quá nhiều điều.

3. Phương tiện
Phương tiện đại diện cho phương pháp học tập của chúng ta. Người học mà có phương pháp, họ học 1 ngày bằng người khác học 5 ngày. Họ nghe 10 nhớ 9 hiểu 8 áp dụng 5. Một người đi xe đạp, có cố đến mấy cũng cũng không thể bằng người đi oto.

Thay vì chỉ tập trung vào chặt cây, hãy dành thời gian để mài rìu. Mỗi người hãy tự nghiên cứu, tìm ra một phương pháp tổng hợp kiến thức phù hợp với bản thân. Rèn luyện những thói quen tốt. Ví dụ như: thói quen ghi chép, thói quen vẽ mindmap, thói quen viết nhật kí, thói quen chia sẻ lại những gì mình học để kiếm tra kiến thức, phương pháp đặt câu hỏi…

Thói quen là hình hài của phương pháp. Hãy tìm cho mình những thói quen tốt.

4. CÁI ĐÍCH
Tại sao tôi lại viết hoa mục số 4 này. Vì tôi muốn nhấn mạnh nó rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đang lấy ví dụ một cuộc đua. Nhưng khác với các cuộc đua xe, đua chạy, chúng ta không cùng hướng tới một cái đích giống nhau.

Mục tiêu của bạn có thể là “trở thành một người làm thuê xuất sắc”. Mục tiêu của bạn khác có thể là “trở thành doanh nhân”, mục tiêu của tôi có thể là “trở thành copywriter xuất sắc”.

Và như thế mỗi người tự lựa chọn một cái đích, và cố gắng tới đích sớm nhất có thể. Khi tới đích rồi, một cái đích mới sẽ lại hiện ra. Cuộc đời là hành trình, chứ không phải cái đích. Chúng ta chỉ thực sự tới đích khi chúng ta nín thở quá 5p mà thôi.

Nếu bạn hiểu được điều trên, bạn sẽ thấy, mỗi người quan trọng nhất là hiểu và hướng tới mục tiêu của chính mình. Chúng ta không thực sự chạy đua với ai cả. Mỗi người phải tự đua với chính bản thân mình. Phải làm sao để bản thân đạt mục tiêu sớm nhất. Chứ không phải làm sao để bản thân đi nhanh hơn người khác.

So sánh bản thân mình với người khác là hành động ngớ ngẩn, giống như bạn đang tham gia một cuộc thi thiếu công bằng vậy. Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình, là tay đua nhanh nhất trong cuộc thi với bản thân, vậy là đủ.

Vậy, các bạn đã xuất phát chưa, mục tiêu của các bạn là gì?
-Anh chủ quán-

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.