https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2022/08/Screenshot_4-740x493.png

Cách Gamification Làm User Nghiện Game.

Ứng dụng Gamification vào MKT là một xu hướng rất mạnh trong vài năm qua. Với mình thì đỉnh nhất chắc là case MOMO 12 con giáp và Shopee lắc xu. Mình thấy 2 case này đỉnh vì nó thực sự tạo ra cảm giác “nghiện” cho người dùng, dù phần thưởng có khi rất nhỏ, hoặc xác suất trúng thưởng có khi rất thấp. Hôm nay mình lại thấy một case nữa của VPBank khá là hay, muốn mang lên đây để ae phân tích coi sao.

VPBank NEO là phiên bản ngân hàng điện tử của VPBank. Từ cuối tháng 6, App này đã tung ra 1 game khá là thú vị có tên là “Hổ du hí – Rinh tiền tỷ”. 

Có thể tóm tắt về game này như sau: Đây là một dạng game bốc thăm/quay số may mắn, nhưng được concept hóa bằng hình ảnh chú Hổ Vàng đi du lịch. Mỗi lượt chơi app sẽ đưa ra 1 số điểm du lịch ngẫu nhiên của Việt Nam, user sẽ chọn một trong những điểm hiển thị và nhận quà tương ứng, tương tự như bốc thăm trúng thưởng. 

Các hình thức Gamification kiểu này chủ yếu khai thác 1 insight chí tử của con người, đó là cảm giác “chinh phục may mắn”. Hãy hình dung bạn được ai đó cho 1 tờ vé số, trong khi trước đó bạn không hề quan tâm đến điều này và cũng chưa bao giờ chi tiền mua bất cứ 1 tờ vé số nào. Nhưng khi đến giờ quay giải, liệu bạn có cưỡng lại được thôi thúc tra cứu giải thưởng? 

Đôi khi mua vé số chính là mua cảm giác hạnh phúc lúc đợi chờ. Cá nhân mình đôi khi cũng mua vài tờ vietlot vào những hôm kiếm được nhiều tiền. Thực tế là mình mua cái cảm giác hồi hộp, thậm chí là cảm giác vui vẻ cả ngày để chờ đến giờ quay giải.

Vậy nếu bạn có cơ hội quay số bốc thăm mỗi ngày, trong khi bạn không cần phải mua vé số, chỉ cần làm những giao dịch nho nhỏ mà vốn dĩ bình thường bạn vẫn làm, trong trường hợp đó, bạn có cưỡng lại được ham muốn sử dụng những lượt chơi có sẵn để bốc thăm không? 

Cá nhân mình lúc đầu cũng k để ý đến cái game của VPBank lắm. Nhưng tự nhiên để ý thấy vợ và em gái cứ ngồi hí hoáy nên cũng tò mò. Thử mở app lên trải nghiệm thì rút ra được mấy thứ hay hay có thể học hỏi. 

Có mấy điểm khiến game này có khả năng gây nghiện:

  • Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, user luôn chắc chắn là sẽ nhận được quà trong mỗi lượt chơi. Từ tiền mặt (ít thì cũng vài nghìn đến vài chục nghìn, nhiều thì vài triệu), đến voucher mua sắm, voucher du lịch…
  • Game kích thích user kiếm lượt chơi bằng các hoạt động đơn giản trên app như: chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại… Mỗi hoạt động sẽ được nhận số lượt chơi nhất định. Khi đạt các cột mốc giao dịch còn được thưởng thêm lượt.
  • Số lượt chơi được tích lũy và sử dụng bất cứ lúc nào trong tháng, sáng tháng mới sẽ bị reset về 0. User có tâm lý sợ quên nên có lượt đến đâu là chơi hết đến đó.
  • Trải nghiệm game mượt, không bị giật lag, hình ảnh đẹp dễ thương.

Với một hoạt động ứng dụng Gamification như này, mình thấy brand đã đạt được 1 số mục tiêu:

  • Xây dựng brand love, giúp thương hiệu trở nên gần gũi hơn với khách hàng.
  • Educate khách hàng về các tính năng trên ứng dụng. Thực tế là các tính năng ít người dùng thường sẽ được cộng lượt chơi nhiều hơn.
  • Tạo ra thói quen dùng app và gây dựng khách hàng trung thành, tăng khả năng cạnh tranh với các ứng dụng ngân hàng khác, khi mà thực tế hiện nay thường mỗi điện thoại sẽ có nhiều hơn 1 app ngân hàng.

Với mình thì đây là một case đáng để học hỏi. Vậy mọi người có trải nghiệm thế nào với hình thức Gamification này, có Gamification của app ngân hàng hoặc bất cứ một app nào khiến mọi người thấy thích thú không?

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.