https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2024/08/Screenshot_2-740x493.png

Chuyện nhờ vả!


Mình có 1 quan điểm sống rất rõ ràng, đó là hạn chế tối đa nhờ vả. Cái gì mà tự lo được thì phải tự lo, cần lắm thì mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Vì mỗi lần nhờ là 1 lần mang nợ, lớn nhỏ gì thì cũng đều là nợ. Mà chưa kể nợ này có hạn mức, không phải muốn nhờ bao lần cũng được.


Tùy tính chất mối quan hệ, tùy vào mức độ “trả nợ”, tùy vào tính cách của từng người mà hạn mức này có thể cao thấp khác nhau. Có lúc định nhờ anh này chị kia việc gì đó, nhưng nghĩ tới lui lại thôi, để dành khi nào có việc thật quan trọng thì nhờ cho bõ, đó là tiết kiệm hạn mức tín dụng cho mối quan hệ.


Tư duy chung thì là như vậy, nhưng lúc cần việc thì vẫn phải nhờ, nhưng nhờ sao cho khéo thì cũng lắm chuyện phải để ý.


Bỏ qua những mối quan hệ thân thiết, vì thân rồi thì thế nào chả được. Nay chỉ muốn bàn đến những mối quan hệ quen biết sơ sơ hoặc chưa quen biết tí nào.


Hôm vừa rồi có 1 brand đăng bài, đại ý là xin ý tưởng đặt tên 1 sản phẩm trà sữa. Trong bài brand có nói về việc tặng 1 chút tiền (tầm 3 bát phở) cho người đưa ra ý tưởng hay. Ngay dưới bài đăng, thay vì đưa ra ý tưởng đóng góp thì đã có nhiều cmt đã thể hiện sự hoài nghi. Họ cho rằng brand đã đưa ra mức tiền quá thấp để đổi lấy chất xám của đám đông.


Ngay sau đó brand đã xóa phần nói về tặng tiền trên caption, bỗng chốc mọi thứ quay về đúng quỹ đạo. Mọi người hồ hởi tham gia đóng góp ý kiến, ai cũng vui vẻ.


Nguyên tắc ở đây rất đơn giản: Nếu bạn nhờ vả và có đi kèm 1 cái giá, thì đó không hoàn toàn là nhờ vả, đó là giao dịch. Mà đã giao dịch thì phải có một mức giá đủ tốt. Nếu bạn không thể đưa ra một mức giá đủ tốt, thì tốt nhất đừng đưa ra một cái giá nào, thay vào đó chỉ cần bày tỏ lòng biết ơn chân thành.


Hãy tưởng tượng bạn bị ngã xe, bạn muốn nhờ một người đi xe ngang qua dựng hộ chiếc xe vì bạn đang đau chân. Nếu bạn nói rằng: “Anh ơi giúp em dựng xe lên được không, em gửi anh 20k ạ”


Trong trường hợp đó, cảm xúc của người kia sẽ thế nào? Có thể họ vẫn sẽ giúp bạn dựng chiếc xe lên thôi, nhưng đa phần họ sẽ k lấy tiền và thể hiện 1 sự khó chịu.


Nếu chỉ là 1 lời nhờ vả đơn thuần, họ sẽ sẵn lòng giúp bạn để đổi lấy sự thoải mái trong tâm hồn, đổi lấy sự hạnh phúc khi giúp đỡ 1 ai đó, thậm chí đôi khi còn là đổi lấy sự thể hiện mình. Nhưng khi bạn đưa ra cái giá 20k, họ sẽ so sánh nó với giá trị của bản thân, điều đó tạo ra sự bất mãn.


Nếu ngay từ đầu bạn hô lên “ai giúp tôi dựng xe tôi gửi 20k”, thì đó lại là 1 giao dịch rất đúng mực, thuận mua vừa bán, ai thấy ok thì làm.


Vậy nên khi cần nhờ vả những mối quan hệ không thân thiết, hãy chú ý về ngôn từ. Nhờ thì cứ nói là nhờ, đừng đưa ra những sự trao đổi, đặc biệt là khi mà bạn không biết chắc người ta có cần nó hay không.
Nhiều người hay nhắn tin kiểu “Em giúp anh cái này được không, hôm nào anh mời em đi ăn”. Vấn đề là mình đâu có thiếu ăn mà cần người ta mời.


Cách làm ok hơn đó là nếu cần nhờ thì cứ nhờ đã. Nhờ xong rồi, việc xong rồi thì thể hiện sự cảm kích, rồi lúc đó đưa ra lời hẹn mời ăn cơm cũng được. Khi đó bữa ăn nó thể hiện tấm lòng của người đi nhờ, chứ k phải là một cái giá cho sự giúp đỡ. Cùng một món quà, nhưng đưa ra thời điểm nào có thể thay đổi hoàn toàn cảm nhận của người nhận về nó.


Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Cũng chả phải là thảo mai thảo quả, cũng chưa phải là kỹ nghệ giao tiếp gì cho cao sang. Trên đây chỉ là vài cảm nhận cá nhân để mọi thứ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
Chủ quán trà đá.

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.