https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2022/06/Screenshot_9-740x493.png

Bí quyết đột phá kỹ năng VIẾT

Làm sao để biết kỹ năng viết của bản thân đang phát triển?

Có nhiều dấu hiệu để đánh giá kỹ năng viết của bản thân, nào là tương tác, phản hồi, rồi đến hiệu quả. Nhưng tất cả cũng chỉ là tương đối, vì kết quả còn phụ thuộc nhiều thứ, như là bối cảnh, chủ đề, nơi đăng….

Có một cách vô cùng đơn giản, nhưng có thể giúp bạn ngay lập tức đánh giá về văn phong và ngôn từ của bản thân, đó là ĐỌC LẠI.

Mình có tự bịa ra một nguyên tắc mang tính tương đối, là 1-3-6, tức là 1 ngày-3 tuần-6 tháng.

Đó là những mốc thời gian bạn sẽ đọc lại bài viết của chính mình, chỉnh sửa và cải thiện nó thành phiên bản tốt nhất của thời điểm đấy. Nếu bạn có thể sửa, dù chỉ là 1 chút, để giúp bài viết của mình tốt hơn, tức là nhận thức về văn phong và ngôn từ của bạn đã phát triển rồi đó. Thường thì đọc bài người khác dễ bắt lỗi hơn bài của chính mình. Lúc mới viết xong, có những lỗi rất ngớ ngẩn, nhưng chính mình nhìn không ra. Vậy nên mới cần check lại sau 1 ngày để sửa những lỗi kiểu đó. Còn 3 tuần và 6 tháng, là những mốc để bạn sửa những thứ không hẳn là lỗi, mà chỉ đơn giản là tối ưu câu chữ cho tốt hơn mà thôi.

Một vài thứ mà bạn cần tập trung check nè:

  • Tối quan trọng là lỗi chính tả và lỗi trình bày văn bản. Cái này phải nâng dần tiêu chuẩn lên. Khi nào bạn nhìn thấy một dấu bị dùng sai hoặc một khoảng trắng bị thừa mà bạn không chịu được là ok.
  • Có bỏ bớt dc câu chữ nào mà vẫn giữ nguyên dc ý tứ và cảm xúc không? Dài ngắn không quan trọng. Nhưng ngắn hơn mà vẫn đủ ý thì nên để ngắn.
  • Có bị lặp từ không? Nếu có thì tìm từ khác thay thế hoặc tìm cách diễn đạt khác
  • Có câu nào quá dài dẫn đến lủng củng hoặc khó đọc không? Nếu có thì tính đến phương án tách ra thành 2 câu đơn.
  • Mỗi đoạn trong bài đã có nội dung chủ đạo chưa, có đoạn nào bị lan man không? Nếu có thì sắp xếp lại các ý sao cho mạch lạc, phải hình dung ra khung sườn của bài viết, chính là cái dàn ý đó. Lỗi viết lan man thường xuất phát từ việc không có dàn ý.
  • Trình bày như vậy đã tối ưu chưa? Có nên ngắt dòng cách đoạn chỗ nào không?
  • Có tìm được từ nào đắt hơn hoặc cảm xúc hơn để thay cho các từ hiện tại không? Nếu có thì thay luôn.

Thực tế đây chính là cách luyện tập mà mình sử dụng hàng ngày trong thời gian đầu luyện viết. Dạo này bận rộn quá nên ít thực hành, nhưng cứ thực hành là tìm ra lỗi. Kể cả những bài mình đã viết rất cẩn thận, thì một thời gian sau check kiểu gì cũng ra lỗi. 

Đợt này thì mình chỉ hay check các bài đăng trên Facebook của mình, vì nó hay đập vào mắt. Tất cả các bài viết của mình trên Fb đều “được” chỉnh sửa rất nhiều lần. Đôi khi chỉ vì đọc lại thấy 1 câu quá dài, mình cũng lọ mọ mở edit để thêm 1 dấu phẩy. Điều kỳ lạ là, cứ lâu lâu đọc lại 1 bài viết cũ, mình lại có thể sửa 1 cái gì đó để đọc thuận mắt hơn.

Cách tốt nhất để làm tốt một nghề, là nâng cao tiêu chuẩn của bản thân lên, phải trở nên khó tính trong cái nghề đó. Nhưng trước hết là khó tính với bản thân, chứ đừng hở tí là khó tính với thiên hạ. Mình ít khi đi bắt bẻ người khác, nhưng cứ rảnh là ngồi bắt bẻ từng bài viết của chính mình. Bạn không thể làm ra 1 spham tốt nếu tiêu chuẩn của bạn thấp hơn người khác. Mình có thể dễ dãi trong cuộc sống, nhưng trong viết thì không. Mình vẫn viết sai, viết lỗi, nhưng biết sai là mình sửa ngay.

1-3-6 chỉ là những mốc tương đối, còn bạn thích ngồi “tự bắt bẻ” vào mốc nào cũng dc, do bạn cả thôi.

Chủ quán trà đá.

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.