https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2023/07/358055866_6579086165492660_2796460772435715762_n-min-740x493.jpg

Tiền Lệ Pháp và Cẩm Nang Tẩy Chay.

“Tiền lệ pháp hay phép xét xử theo tiền lệ là một hình thức của pháp luật, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó” (Luatminhkhue)

Tiền lệ pháp được sinh ra để xử lý những lỗ hổng của pháp luật. Ở đây chưa nói là luật pháp sai, chỉ đơn giản là thực tế cuộc sống muôn màu, mỗi ngày có rất nhiều trường hợp phát sinh mà chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn cụ thể trong hệ thống pháp luật. Khi đó việc xử lý 1 vụ việc có “tính chất mới” sẽ có thể trở thành khuôn mẫu (gọi là án lệ) cho các vụ án tương tự sau này.

Quay trở lại với câu chuyện của concert BP (gọi tắt là CBP) đang gây tranh cãi từ đêm qua.

Đây là một sự vụ có tính chất quen thuộc, nhưng đi sâu vào chi tiết thì lại có nhiều tính chất đặc biệt.

Đối với các đơn vị trực tiếp cung cấp sp/dv mà có dính dáng đến đường lưỡi bò, mọi người khá là đồng lòng trong việc kêu gọi tẩy chay. Như trường hợp của We Chat cách đây chục năm hay H&M cách đây 2 năm. Ở đây chúng ta mới chỉ bàn tới sự “thống nhất” trong các luồng quan điểm, còn về kết quả của “làn sóng tẩy chay” thì 2 trường hợp này khác nhau. We Chat thì đã biến mất khỏi VN, còn H&M thì vẫn khỏe.

Đối với trường hợp CBP lần này, đơn vị gây tranh cãi lại không phải đơn vị trực tiếp cung cấp sp/dv, điều này khiến quan điểm của cộng đồng có vẻ bị phân mảnh một chút.

Lùi lại vài tháng mới đây, có một case gần giống nhất với case CBP, đó là MI***. Brand mẹ có dính dáng đến đường lưỡi bò, tuy nhiên đơn vị chịu ảnh hưởng lại là những người kinh doanh nhượng quyền ở VN. Cộng đồng cũng chia làm 2 phe, là “Tẩy Chay” và “Bỏ qua”.

Đến hiện tại thì có vẻ phe “bỏ qua” đã chiến thắng, phe “tẩy chay” đã bỏ cuộc, ai về nhà nấy, ai ăn thì cứ ăn, ai ghét thì không ăn.

Tuy nhiên giữa 2 case này có 1 điểm khác biệt rất lớn: MI*** thì không có fan cuồng, còn BP thì có.

Tôi là 1 người âm kiến thức đối với KPOP, tôi k phân biệt được mặt các ca sĩ chứ đừng nói là biết tên. Tuy nhiên có 2 ngoại lệ, có 2 nhóm nhạc khiến tôi u mê, 1 là T-ARA , 2 chính là Blackpink.

Nói vậy nhưng độ cuồng của tôi thì vẫn chỉ xếp hạng mầm non nếu so với các fan chân chính khác. Lực lượng fan của Bp phải nói là vô cùng hùng mạnh và chất lượng. Tình cảm của tôi dành cho Bp thì 90% là đến từ chính cộng đồng fan. Chính cách các bạn fan làm video fancam đã khiến tôi yêu 4 cô gái xinh đẹp ấy.

Chính vì lực lượng fan hùng hậu như vậy, nên sự phân hóa quan điểm trong những ngày tới sẽ là rất rõ ràng, thậm chí là căng thẳng.

Đối với phe ủng hộ, quan điểm cốt lõi là BP không lquan đến đường lưỡi bò. Họ cho rằng nếu cứ tẩy chay 100% các DN liên quan đến lưỡi bò thì còn nhiều case khác phải tẩy chay, tại sao nhất định phải tẩy chay concert của Bp.

Tuy nhiên, lực lượng này đã bị hao hụt nhân sự rất nhiều sau vụ giá vé cao + chất lượng không tương xứng. Rất nhiều người đã công khai từ bỏ ý định mua vé trước cả khi rộ lên thông tin về lưỡi bò. Cái khó là khi bạn đã mua vé mà lại rơi vào làn sóng tẩy chay, chứ đằng nào cũng không mua vé thì thế nào chả được.

Đối với phe tẩy chay, họ có rất nhiều cơ sở để lên tiếng.

TQ có một chiến lược rất thâm sâu và nguy hiểm, đó là: Biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, rồi dần dần biến vùng tranh chấp thành chuyện đã rồi.

Để hiểu đơn giản thì lấy 1 minh họa thế này: Nhà bạn đang sống yên ổn, bỗng nhiên ông hàng xóm lấn sang nhà bạn 1m đất. Nếu như bạn đang sống ở 1 nơi có hệ thống tư pháp và hành pháp rõ ràng, thì ok kiện là xong. Nhưng vì bạn đang sống trong 1 bối cảnh rất dở hơi (vùng biển), nơi mà hệ thống tư pháp thì loằng ngoằng (luật biển quốc tế), hệ thống hành pháp thì gần như k có (xử phạt 1 người thì dễ, xử phạt 1 quốc gia thì khó), nên là tự nhiên đất của nhà bạn bị gán 1 chữ “đất tranh chấp”.

Trong vòng đôi chục năm đầu tiên, hàng xóm sẽ kể câu chuyện về thằng A cướp đất thằng B.

Dần dần theo thời gian, câu chuyện có thể không còn nguyên vẹn như vậy nữa, mọi chuyện chỉ còn lại là “thằng A và thằng B nó tranh nhau đất mấy chục năm rồi”.

Sau 50 năm thì chuyện tranh chấp có thể chỉ còn trong sách lịch sử, và thằng A thì vẫn sống ổn định trên đất nhà B như 1 chuyện đã rồi.

Việc TQ liên tục cài cắm đường lưỡi bò vào các ấn phẩm quốc tế chính là động thái biến mọi chuyện thành “sự đã rồi”. Nhưng cái thời điểm đấy chỉ thực sự đến khi chúng ta im lặng, và mặc định rằng những hành động đó của TQ là bình thường.

Tôi phân tích như vậy, để các bạn fan hay bất cứ 1 ai nhìn vào case này cũng hiểu được tầm quan trọng của việc lên tiếng.

Tất nhiên trong quá khứ đã có rất nhiều bài học về việc bài Tàu cực đoan để lại hậu quả nặng nề cho kinh tế và xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế toàn cầu, bài Tàu là một tư duy có phần lạc hậu và cực đoan. Chúng ta nên tập trung chống lại những hoạt động sai phạm cụ thể, thay vì chống lại cả 1 đất nước hùng mạnh.

Vụ việc của Mixu* tạm gọi là đã qua, vì như đã nói ở trên, đó k phải là 1 sự vụ gây ra mâu thuẫn trong xã hội, vậy nên nó sẽ không để lại những dư âm quá lớn.

Tuy nhiên vụ việc của CBP lần này thì khác hoàn toàn, đây là một sự kiện lớn về mặt văn hóa xã hội, có yếu tố mâu thuẫn giữa các luồng quan điểm. Các diễn biến trong sự việc này có thể sẽ trở thành “án lệ” cho các sự việc tiếp theo trong tương lai.

“Đấy, ngày xưa IME công nhận đường lưỡi bò mà vẫn làm show ở VN có sao đâu, sao giờ lại chửi bên này bên kia”

Đó là điều có thể xảy ra trong tương lai. Nếu chúng ta dễ dàng bỏ qua cho trường hợp này, thì đó sẽ là cơ sở để sau này xã hội so sánh tham chiếu để đưa ra nhận định cho các trường hợp tương tự.

Các đơn vị kinh doanh trực tiếp tại VN đã nhận được nhiều bài học về lòng yêu nước của người Việt. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh gián tiếp hoặc không lộ mặt cũng cần nhận thức điều này một cách rõ ràng.

Chốt lại, việc lên tiếng là cần thiết cho hiện tại và tương lai. Cần xây dựng những tiền lệ lành mạnh cho vấn đề Chủ Quyền Quốc Gia.

Vậy ok rồi, bây giờ bàn đến việc lên tiếng thế nào cho văn minh, thì dưới đây là góc nhìn của mình, các bạn có thể làm theo hoặc phản đối.

  1. Tập trung vào đơn vị tổ chức, tuyệt đối không chỉ trích lan man sai đối tượng.
  2. Nếu bạn không định mua vé giống như tôi (già đau lưng nên ngại đi, chứ tôi là vẫn thích đi lắm nhé), thì có thể cân nhắc không dùng từ Tẩy Chay, chỉ tập trung lên tiếng phản đối BTC IME vì công khai chấp nhận đường lưỡi bò dù có kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Yêu cầu IME bỏ công khai, thậm chí yêu cầu đính chính về đường lưỡi bò. Việc lên tiếng là của chúng ta, việc họ làm hay không là việc của họ.
  3. Nếu bạn thực sự định mua vé, nhưng vì vấn đề dân tộc mà không mua nữa, thì bạn có quyền tuyên bố Tẩy Chay.
  4. Tẩy chay vì giá vé đắt hoặc chất lượng show thì phải nói rõ. Tẩy chay vì vấn đề dân tộc thì cũng phải nói rõ. Đừng vì thấy vé đắt mà tranh thủ kêu gọi tẩy chay vì dân tộc. Kết quả thì giống nhau thôi, nhưng làm vậy nó không sang.
  5. Không lan man, không đánh tráo khái niệm, không áp đặt, không chụp mũ những người mua vé đi sự kiện là không yêu nước. Chúng ta có quyền tẩy chay, nhưng trong vụ việc này, nếu chúng ta công kích những người mua vé thì quả thật không đủ cơ sở. Nếu một ngày nào đó Idol công khai ủng hộ lưỡi bò, mà vẫn mua vé đi xem Idol thì lúc đó hãy chửi.
  6. Đối với những bạn đã mua vé, các bạn vẫn có thể lên tiếng phản đối IME như bình thường.

Và để kết bài, tôi muốn nhấn mạnh một chi tiết rất quan trọng, có thể thay đổi cục diện, đó là phát ngôn từ phía Chính Quyền.

Tất cả những phân tích của tôi ở trên chỉ đúng trong bối cảnh hiện tại, khi mà nhà nước vẫn đang cấp phép cho sự kiện. Nếu nhà nước lên tiếng hoặc có những động thái mạnh mẽ trong vụ việc này, thì “tiêu chuẩn” hành động của chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi.

Chủ quán trà đá!

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.