https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2019/08/Chia-s-facebook.jpg

Bí mật của nút SHARE – Lý do khiến người dùng bấm nút chia sẻ

Trong khoảng chục năm gần đây, lần lượt các mạng xã hội thay nhau thống trị thế giới Internet. Nhưng, trong suốt quá trình thay đổi đó, có một điều chưa bao giờ thay
đổi… đó là giá trị của hành động chia sẻ.

Đối với một nhãn hàng, việc người dùng bấm chia sẻ nội dung, có nghĩa là nhãn hàng được nhiều người biết đến hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Đối với một cá nhân, việc nôi dung được nhiều chia sẻ, đồng nghĩa thương hiệu cá nhân của người đó có thể được lan tỏa, tạo ra sức ảnh hưởng với cộng đồng

Và quan trọng hơn cả, tất cả các giá trị trên là miễn phí (không tính phí sản xuất và đăng tải nội dung). Mấu chốt của sự chia sẻ, không phải nằm ở việc đổ tiền ra chạy ads, Muốn người dùng bấm nút chia sẻ, bạn phải hiểu động lực đằng sau hành vi này, để tạo ra những ĐỊNH DẠNG nội dung đặc thù, cực kì câu share.

Chúng ta hãy đi tìm hiểu: Động lực thực sự của hành động chia sẻ trên mạng xã hội là gì?

Có vô vàn lý do khiến cho một người bấm vào nút chia sẻ nội dung trên MXH. Nhưng nếu đi sâu vào nghiên cứu dưới góc độ tâm lý học, có thể liệt kê ra 7 nhóm động lực chính như sau

1. Chia sẻ cảm xúc

Đây là dạng động lực phổ biến nhất của hành động chia sẻ. Tâm lý bản năng của con người là muốn được thừa nhận, muốn được đồng cảm, muốn được thấu hiểu. Một cá thể luôn muốn những cá thể khác có cùng cảm nhận với mình.

Trong một mâm cỗ, nếu có 1 món ngon khiến chúng ta thích thú. Ngay lập tức chúng ta sẽ muốn người khác nếm thử, rồi ta ngồi chờ xem liệu họ có cảm nhận giống mình. Nếu ta nhận được sự đồng thuận của họ, cảm giác sẽ rất dễ chịu. Trừ trường hợp có ít đồ ăn quá, thì ông nào ăn ngon sẽ im ỉm ăn 1 mình, tập trung ăn không là hết. Tức làc con người bản năng chỉ muốn chia sẻ cảm xúc, chứ không phải lúc nào cũng muốn chia sẻ vật chất.

Trên MXH cũng vậy, khi chúng ta phát sinh 1 cung bậc cảm xúc mạnh, chúng ta sẽ muốn chia sẻ nó. Khi có người vào bài share của chúng ta thể hiện chung cảm xúc, cảm giác sẽ rất dễ chịu.

Vậy, cụ thể, những cung bậc cảm xúc nào khiến người dùng ngay lập tức phải chia sẻ:

  • Buồn cười
    Đây là cảm xúc dễ lan truyền nhất. Chúng ta đã quá quen với những video hài hước, khi đủ sự buồn cười, người ta sẽ chia sẻ nó.
  • Tức giận
    Sự phẫn nộ cũng là cảm giác dễ lan truyền thứ 2. Khi chúng ta chứng kiến một hình ảnh xấu (chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, người già bị bắt nạt, chế biến thực phẩm bẩn, bóc phốt thương hiệu….), chúng ta vô cùng giận dữ, và ngay lập tức muốn lan truyền cảm xúc đó. Ta luôn muốn lôi kéo người khác ghét thứ mà mình ghét
  • Bất ngờ/ngạc nhiên/thích thú
    Nếu chúng ta được xem những video về những công nghệ mới, hoặc những điều lạ trên thế giới. Cảm xúc trong lòng khi đó là vô cùng hào hứng và bất ngờ.
    Những câu chuyện storytelling mà có pha tổ lái ngoạn mục ở cuối bài, cũng nhận được vô cùng nhiều lượt chia sẻ. Đó là do người ta muốn lan truyền cảm xúc, muốn người khác cũng trải qua cảm giác bất ngờ giống mình
    Những mẫu copy bá đạo của Durex nhận được hàng chục nghìn lượt share trong thời gina qua, cũng là vì nó khiến độc giả thích thú đến tột cùng về độ sáng tạo.
  • Tình thương
    Nếu chúng ta thấy một hình ảnh đáng thương nào đó, trong lòng sẽ nảy sinh sự thương cảm. Ta sẽ muốn nhiều người cùng bày tỏ cảm xúc giống như vậy

Xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề tại chuyên mục Digital Marketing

2. Thể hiện bản thân

Trong nhiều trường hợp, người bấm nút share không muốn truyền tải chính nội dung mà họ vừa chia sẻ. Điều thực sự họ cần là cách mà người khác sẽ cảm nhận về họ, khi đọc thông tin họ chia sẻ. Người share thường muốn thể hiện một hình ảnh tích cực với cộng đồng của mình như tốt bụng, sang trọng, hài hước, hiểu biết,… .

Một số thông tin dễ được lan truyền dạng này như: tìm trẻ lạc, giúp đỡ người neo đơn, các thông tin bảo vệ môi trường, câu chuyện về người tốt việc tốt, câu chuyện về người thành công, câu chuyện về cách sống, cách đối nhân xử thế, những kiến thức cao siêu…

Trong một số trường hợp đặc biệt, việc share một content còn giúp họ thể hiện bản thân với một đối tượng cụ thể nào đó. Chắc hẳn bạn đã từng thấy những bài đăng đơn giản dạng QUOTE lại được vô cùng nhiều lượt chia sẻ. Những câu như “ngọn cỏ ven đường thôi mà, làm sao với được mây” cuối cùng là cũng muốn gửi gắm đến ai đó thôi mà.

3. Chia sẻ thông tin

Với một số thông tin hữu ích, thực sự có giá trị cho cộng đồng, người dùng sẽ muốn chia sẻ thông tin để giúp ích cho xã hội.

Những dạng thông tin như sau sẽ dễ được chia sẻ:

  • Thông tin về y tế sức khỏe: tin về đợt dịch bệnh, tin về cách chống đột quỵ, cách để phân biệt thực phẩm sạch,..
  • Tin về cách nuôi dạy con
  • Tin về những cách lừa đảo, thôi miên
  • Những cập nhật mới về Digital Marketing (những bài dạng này của mình nhận được khá nhiều share)
  • Những thông tin dạng thông báo khẩn: lịch cấm đường, lịch quốc tang, tin bão khẩn,..

Các bạn đừng nhầm động lực dạng này với động lực số 2. Động lực số 2 là người dùng muốn thể hiện bản thân thông qua nội dung được truyền tải, chứ không quan tâm đến giá trị của nội dung ấy với người khác thế nào. Còn động lực số 3 là khi người dùng thực sự muốn truyền tải thông tin đó.

4. Share để thể hiện quan điểm

Khi chúng ta gặp một quan điểm mà chúng ta rất phản đối hoặc rất ủng hộ. Chúng ta sẽ có xu hướng chia sẻ để thể hiện quan điểm, ủng hộ hoặc phản đối. Một số topic gây tranh cãi, dễ thu hút sự quan tâm trên mxh như:

  • Làm chủ hay làm thuê
  • Nên tập trung làm việc hết mình hay dành thời gian tận hưởng
  • Nuôi con hiện đại hay truyền thống
  • Nên mua nhà trước hay mua xe trước
  • Lương 7tr/tháng có nên đi du lịch thường xuyên không

5. Share vì được yêu cầu

Động lực này xuất hiện khi người dùng tham gia những game có yêu cầu cụ thể về việc share

6. Share để thể hiện quyền lực mềm

Động lực này xuất hiện khi người dùng muốn trừng phạt một người/nhãn hàng nào đó. Họ muốn sử dụng áp lực dư luận để thay đổi một hành vi cụ thể. Ví dụ:

  • Share để yêu làm rõ 1 vụ án
  • Share để tìm ra một thủ phạm gây tai nạn giao thông
  • Share để khiến người quyền chức/người giàu bị phạt
  • Share để rủ nhau tẩy chay 1 nhãn hàng

7. Lưu trữ thông tin

Đây là một động lực thú vị và gần như là dễ khai thác nhất trong các động lực kể trên. Hãy tạo ra những nội dung vừa hay vừa dài, người dùng sẽ muốn share về để lưu lại đọc dần. Một số định dạng nội dung phù hợp để thúc đẩy động lực này, đó là:

  1. Bài viết dạng liệt kê/tổng hợp/check list. Ví dụ:
    – 13 bài viết hay nhất về Digital Marketing
    – Top 5 công cụ miễn phí tuyệt vời nhất về Facebook
    – Danh sách 15 quán ăn buộc phải ghé thử khi đến Hải Phòng
    – 7 bước lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả
  2. Bài viết dạng phân tích khái niệm, mổ xẻ chi tiết

Có lưu ý chung cho định dạng content này, đó là nội dung càng dài, càng chi tiết càng tốt. người dung sẽ không thể đọc hết trong một vìa phút, nên họ có thiên hướng share về để về sau đọc lại.

Kết luận

Với việc nhìn ra 7 nhóm động lực của hành động chia sẻ, chúng ta sẽ thấy được sự phức tạp trong hành vi của con người. Trong thực tế, để ra quyết định bấm 1 nút share, người dùng không chỉ có 1 động lực, mà có thể dó cùng lúc 2-3 động lực trong các nhóm kể trên.

Trong phạm vi bài viết này, mình tập trung phân tích hành động chia sẻ dưới góc độ động lực tâm lý. Bài viết này không hướng đến việc hướng dẫn các bạn tạo ra các viral content. Bên cạnh việc am hiểu các động lực chia sẻ, muốn tạo ra viral content, cần có thêm những hiểu biết về:

  • Concept viral
  • Nguồn phát
  • Phân tích bối cảnh/trend
  • Seeding
  • ….

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.