Định Giá Bản Thân?
(Bài viết cho các bạn trẻ mới vào nghề – nghề gì cũng tham khảo được)
Có người sẽ không thích từ “bán thân” cho lắm. Nhưng tôi thì lại rất thích, suy cho cùng ai cũng phải đi bán, vấn đề là bán cái gì và bán được với giá bao nhiêu mà thôi. Bán thời gian lao động, bán một sản phẩm content, bán một kết quả sau cùng, tất cả đều là bán.
Vậy, làm sao để nâng cao giá trị của bản thân, để vừa dễ bán mà lại còn bán được nhiều tiền hơn?
Ngày xưa, ở quê tôi có một cô rất thích chửi con. Mỗi lần thằng cu làm gì sai, là cô chửi phát sợ luôn ấy. Thi thoảng tôi còn không biết là có phải cô đang chửi bằng tiếng Kinh không, vì khi ngôn từ đi qua những hàm răng đang nghiến kèn kẹt thì nó không còn giữ gìn được sự trong sáng của Tiếng Việt nữa. Tôi nghe không hiểu gì luôn, chỉ cảm nhận được cơn tức giận quá sức mà người phụ nữ ấy có thể chịu được.
Nhưng có một câu chửi rất hay mà tôi cứ ấn tượng mãi, cô chửi con trai như này: Cái loại m còn không bằng con lợn. Lợn còn bán được mấy chục đồng một cân, loại m thì ai mua tao còn phải cho thêm tiền.
Chẳng hiểu sao tôi thấy nó rất buồn cười nên nhớ mãi. Cô bực thì chửi vậy thôi, chứ cô thương con cái lắm. Tôi kể lại chuyện này vì nó cũng mang chút hình bóng của một phương pháp định giá. Tất nhiên là không ai định giá con người bằng giá tiền trên kilogam cả. Vậy thì chúng ta định giá bản thân như thế nào. Biết được điều đó sẽ giúp chúng ta nâng cao giá trị của bản thân.
Chúng ta có 4 yếu tố cơ bản để đưa vào định giá như sau
Giá trung bình thị trường
Chất lượng và cấp độ sản phẩm
Chất lượng dịch vụ
Lựa chọn thay thế
Nội dung chính
Giá trung bình thị trường
Ở đây chúng ta đang nghiên cứu về định giá nói chung. Bạn có thể áp dụng để định giá 1 giờ làm việc, định giá để deal lương khi ứng tuyển hoặc định giá để bán một content cụ thể.
Yếu tố đầu tiên để định giá là phải tham khảo được mức giá trung bình của thị trường. Ví dụ bạn đang định giá để bán một bài SEO, bạn sẽ sẽ phải tìm hiểu được khoảng trung bình giá một bài SEO trên thị trường là bao nhiêu. Làm sao để có được những thông tin đó, thì bạn phải đi hỏi, phải lăn lê trên càng cộng đồng, phải tham gia vào các thị trường mua bán. Nếu muốn thì bạn sẽ biết được thôi.
Nhưng lưu ý là nên thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, đừng để bức tranh của mình quá phiến diện. Trong ví dụ này, khi tìm hiểu về thị trường mua bán bài SEO, bạn phải nắm được các thông tin như sau:
Bài SEO dạng copy xào xáo để đạt Unique giá bao nhiêu.
Bài SEO dạng tự viết 100% giá bao nhiêu.
Bài dài trên 1000 từ thì giá bao nhiêu, bài ngắn thì bao nhiêu.
Bài SEO mà các bạn Freelancer hay bán giá bao nhiêu
Bài SEO mà các Agency bán cho Client giá bao nhiêu
Có thể Cộng Tác Viên và Freelancer bán cho Agency 100k/bài. Nhưng Agency bán lại cho Client là 300k/bài. Vậy khoảng chênh lệch 200k là do đâu?
Do họ có khả năng thuyết phục được client mua bài giá 300k
Do họ bỏ công để lên kế hoạch
Do họ bỏ công biên tập
Hay do cái gì khác
Ví dụ như vậy. Hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt, càng nhiều thông tin thì định giá càng dễ. Trong một hai ngày thì bạn chưa thể có quá nhiều thông tin, nhưng cứ thu thập dần dần nhé.
Chất lượng và cấp độ sản phẩm của bạn.
Bạn còn nhớ 3 level từ Gà Mờ đến Chuyên Gia chứ. Muốn làm tốt thì tối thiểu bạn phải đạt đến level 2 là Thành Thạo.
Thành thạo là khi bạn làm tốt dựa trên sự am hiểu về bản chất. Bạn Thành Thạo trong lĩnh vực nào, thì phải có khả năng xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực ấy. Một người Thợ Mộc lành nghề thì nhìn qua cũng có thể biết chất lượng sản phẩm ở mức nào.
Ví dụ: Nếu bạn là một Copywriter thạo nghề, thì chí ít bạn cũng phải hiểu các thang đo chất lượng sản phẩm như sau
Viết chuẩn hình thức: Không lỗi chính tả, không lỗi dấu câu.
Viết chuẩn văn phong: Không bị các lỗi lủng củng, khó hiểu, lan man.
Viết đúng brief: Không bị viết lạc đề.
Viết hiệu quả: Đạt được mục tiêu bài viết.
Viết sáng tạo hấp dẫn: Tính hiệu quả phải đặt lên trước, nếu có thêm sự thú vị và sáng tạo thì càng tốt.
Bạn tự nhìn vào các tiêu chí đó xem khả năng của mình tới đâu. Chất lượng sản phẩm càng cao thì định giá càng cao. Newbie thì rèn luyện các thang thấp trước, rèn luyện thang cao sau. Bạn viết bài mà khách 5 lần 7 lượt phát hiện lỗi chính tả thì thôi đừng nói đến mấy thứ cao siêu, “phèn” lắm.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí khác nhau, còn một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến giá bán của bạn, đó là “cấp độ giải pháp”.
“Sản phẩm của bạn càng gần với kết quả cuối mà khách hàng mong muốn, bạn sẽ bán được giá càng cao”
Để dễ hình dung thì các bạn hãy nhớ phần tôi chia sẻ về chiến lược. Bản chất là không ai tự nhiên có nhu cầu làm content hay quảng cáo, cái họ cần là bán được hàng. Content chỉ là 1 công cụ để đạt được mục tiêu marketing. Các hoạt động marketing cũng chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Bạn bán cho khách hàng 1 content theo một yêu cầu cụ thể. Đó là bán sản phẩm. Bạn bán cho khách một dịch vụ content để tăng doanh số (hoặc lợi nhuận, tùy mục tiêu của từng đối tác). Đó là bán giải pháp.
2 đặc điểm nổi bật của việc bán giải pháp đó là:
Tham gia từ khâu tư vấn đến triển khai.
Thường là có những cam kết nhất định về kết quả.
Bán giải pháp thì bao giờ mức giá cũng cao hơn nhiều so với bán sản phẩm. Tuy nhiên, phải rất cẩn thận trong việc cam kết hiệu quả cũng như bán giải pháp. Muốn làm được điều đó bạn phải có mấy yếu tố tiên quyết như sau:
Thứ nhất là bạn phải rất am hiểu về ngành nghề kinh doanh của client. Chỉ nên cam kết khi bạn đã có kinh nghiệm ngành dọc khá dày dặn.
Thứ hai là bạn phải thống nhất được với client về mục tiêu và quy trình. Rất nhiều trường hợp lúc đầu nói một kiểu, triển khai một thời gian lại thành ra kiểu khác. Lúc đầu nói chỉ cần doanh số, lúc sau lại cần thêm cả thương hiệu, như vậy sẽ rất loạn.
Thứ ba là bạn phải nắm được cách vận hành của đội nhóm của client. Content không thể đứng một mình. Content có tốt mà các hoạt động khác không tốt thì cũng không thể đạt được hiệu quả mong muốn. Nếu bạn không chắc nhân sự bên kia có thể phối hợp tốt thì đừng cam kết. Hoặc bạn sẽ phải có một hệ thống đo lường rất chi tiết để biết lỗi là do ai, trong trường hợp kết quả không như mong đợi.
Tôi có một lời khuyên rất cá nhân cho các bạn làm nghề như này: Đừng cam kết những gì bạn không thể kiểm soát. Đó không chỉ là một hai hợp đồng rủi ro, đó còn là uy tín của các bạn. Hãy đầu tư chứ đừng đánh bạc.
Tuy nhiên, có ai đó sẽ nói phải liều thì mới ăn nhiều. Đó vẫn là lựa chọn của mỗi người, tôi tôn trọng bất kỳ một quyết định nào miễn là nó đã lường trước cơ hội và rủi ro.
Chất lượng dịch vụ.
Thời đại cung ứng sản phẩm đã qua, giờ là thời đại của cung ứng trải nghiệm. Tức là bạn không chỉ bán một sản phẩm, bạn bán tất cả những thứ đi kèm với nó.
Chúng ta đi mua dưa muối, nếu giả sử chất lượng 2 hàng dưa không khác quá nhiều, thì rõ ràng là chúng ta sẽ ưu tiêu cô bán dưa nào thân thiện hơn. Cô nào cười nói vui vẻ, cô nào nhớ tên chúng ta, cô đó sẽ đông khách hơn.
Bây giờ gần như người ta không còn so sánh về sự quan trọng của sản phẩm lõi và dịch vụ đi kèm. Ngày xưa nhiều người còn cãi nhau xem cái nào quan trọng hơn. Giờ đây, chất lượng sản phẩm mặc định phải tốt. Bạn không làm tốt thì sẽ có người khác làm. Hãy nghĩ đơn giản là bạn vừa phải có sản phẩm tốt, vừa phải có dịch vụ tốt thì mới cạnh tranh được.
Vậy, với một người làm content thì dịch vụ là cái quái gì nhỉ? Là những thứ dưới đây:
- Tốc độ cung cấp sản phẩm. Rõ ràng cùng là viết 1 bài, nhưng viết trong 1 ngày khác với viết trong 1 tuần. Tốc độ cao hơn thì sức cạnh tranh cao hơn.
- Quy trình chuyên nghiệp. Cái này là phân biệt rõ nhất giữa 1 “tấm chiếu mới” và 1 “tấm chiếu rách” này. Chiếu mới chưa từng trải thì cứ lơ nga lơ ngơ, hỏi đi hỏi lại mãi có khi chưa nắm được vấn đề. Chiếu cũ thì khác, họ có quy trình làm việc rõ ràng. Ví dụ khi mới gặp đối tác, chiếu cũ sẽ gửi cho họ 1 file lấy brief bao gồm những câu hỏi quan trọng và trọng tâm. Thế là chỉ trong vài trao đổi đơn giản, 2 bên thống nhất được với nhau về công việc phải làm. Kỹ năng lấy brief thể hiện phần nào độ chuyên nghiệp của người làm content.
- Khả năng tư vấn. Newbie thì khách giao gì làm nấy. Người thành thạo hoặc chuyên gia thì có khả năng tư vấn lại đề bài cho khách. Đôi khi khách hàng cũng không hiểu rõ họ muốn gì, hoặc họ không hiểu cách để đạt được thứ họ muốn, nên họ sẽ giao những đề bài không chính xác, làm hao tốn tiền của. Nếu bạn có thể giúp khách tối ưu ngay từ đề bài, đương nhiên giá trị của bạn sẽ khác biệt.
Lựa chọn thay thế
Các bạn có biết câu này không: Trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn thì người đó thiệt.
Thiệt ở đây nghĩa là luôn ở thế yếu, luôn phải chạy theo đối phương. Vì bạn là người yêu nhiều hơn, nên bạn thường sẽ phải là người xuống nước, thường thì bạn sẽ là người chủ động làm lành.
Nhưng không chỉ trong tình yêu, tôi thấy câu nói đó có thể khái quát lên để mô tả đa số các mối quan hệ khác. Ai cần nhiều hơn thì người đó có ít lợi thế đàm phán hơn, điều này cũng đúng trong một mối quan hệ mua bán, dù là người bán hay người mua.
Hãy hình dung một người đang cần tiền rất gấp, họ phải bán nhà để có tiền giải quyết công việc, người đó sẽ rất dễ bị ép giá, thường là không bán được giá cao. Đó là vì cần nên phải bán rẻ hơn.
Hãy hình dung về một bạn newbie mới vào nghề, bạn ấy rất cần công việc để có thể rèn luyện kỹ năng. Trong trường hợp này, bạn ấy sẵn sàng đưa ra mức lương thấp hơn mong muốn thật sự để đổi lấy cơ hội việc làm. Đó là vì cần nên phải bán rẻ hơn.
Túm lại, ai có nhiều sự lựa chọn hơn thì người đó sẽ có lợi thế, được quyền mua rẻ bán đắt. Giống như một cô gái mà được nhiều chàng trai tán tỉnh thì họ sẽ rất “cao giá”. Ngược lại, ai không có lựa chọn thay thế thì dễ bị ép mua đắt bán rẻ.
Quay trở lại với chuyện bán thân sao cho được giá, bạn phải tạo ra ít nhất 1 trong 2 tác động:
- Bên phía người mua không có nhiều lựa chọn thay thế
- Bạn thì có rất nhiều lựa chọn thay thế
Rất may cho các bạn, có một thứ có thể đồng thời giải quyết cả 2 vấn đề ở trên, đó là Thương Hiệu Cá Nhân (THCN). Bạn hãy hình dung như này:
Vì bạn có THCN, nên phía người mua rất muốn hợp tác với bạn. Họ cần bạn, họ không nghĩ ra nhiều sự lựa chọn để thay thế bạn.
Vì bạn có THCN, nên rất nhiều người muốn hợp tác với bạn, nhiều công ty muốn mời bạn về làm. Bạn không quá cần một khách hàng nào, bạn có rất nhiều lựa chọn thay thế.
Chủ quán trà đá!