https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2023/12/Screenshot_3-740x493.png

Góp ý cho kỹ năng “góp ý”.

Nói câu này có thể sẽ hơi mất lòng: tôi cho rằng đa số trường hợp chúng ta góp ý cho người khác thì động lực xuất phát từ chính bản thân chúng ta. Ta góp ý để thỏa cái mong muốn thể hiện bản thân, để thỏa cái cảm xúc sung sướng khi có giá trị với ai đó. Đương nhiên là cũng có những trường hợp chúng ta góp ý thật tâm cho những người chúng ta quan tâm.

Nhưng dù động cơ là xuất phát từ cái tôi cá nhân hay xuất phát từ muốn tốt cho đối phương, thì góp ý cũng là một việc không hề đơn giản. Đặc biệt là khi mình chủ đích góp ý để tốt cho người ta thì càng phải khéo léo.

Có 2 cách góp ý khá khó chịu nhưng lại cực kỳ phổ biến, chắc phải đến 90% người xung quanh mình đều dùng cú pháp này như 1 thói quen bình thường.

Câu thứ nhất là: Tại sao bạn không….?
(Doanh số giảm à, tại sao không thuê đội chuyên nó chạy qcao cho?)
Câu thứ 2 là: Hãy…..?
(Mất ngủ à, ăn nhiều hạt sen vào)

Các bạn có thấy 2 cú pháp này quen không, bạn nào nói không thì chịu, chắc chúng ta sống ở 2 earth khác nhau.

Điểm chung giữa 2 cú pháp này là nó đã mặc định rằng đối phương không biết hoặc chưa thử một phương pháp giải quyết vấn đề nào đó. Rất nhiều trường hợp khi bị hỏi hoặc góp ý như vậy thì đối phương báo lại là họ đã thử làm rồi. Và khi chúng ta bắt đầu 1 cuộc thảo luận như vậy, đối phương sẽ “CÓ THỂ” có cảm giác rằng họ bị coi thường về trí tuệ và kinh nghiệm.

Đôi khi điều đó có thể dẫn đến trạng thái phòng thủ tâm lý, ban đầu 2 người đang cùng 1 phe, nhưng bỗng nhiên cách bạn đặt câu hỏi làm đôi phương khó chịu, và họ cảm giác rằng họ đang ở phe đối nghịch với bạn. Khi đó thì những góp ý của bạn sẽ ít được lắng nghe hơn, vì họ đang phòng thủ với bạn mà, và đương nhiên là mục đích tốt đẹp của bạn cũng sẽ khó đạt được hơn.

Thay vì vậy, hãy bắt đầu việc góp ý bằng cách đặt những câu hỏi kiểu như:

  • Bạn nghĩ nguyên nhân chính là gì?
  • Bạn đã thử những cách gì rồi?

Hoặc nếu trong trường hợp bạn muốn đề cập đến một phương pháp cụ thể, hãy hỏi: Bạn đã thử….chưa? Nếu có thì cụ thể bạn đã thực hiện như nào?

Chỉ 1 thay đổi nhỏ trong câu hỏi cũng có thể mang lại 1 thay đổi lớn về cảm xúc. Đừng bao giờ đưa ra lời khuyên trước khi biết được trọng tâm của vấn đề, trước khi biết được người ta đã nỗ lực thế nào để giải quyết mọi chuyện. Khi đã có một khởi đầu tốt rồi, tôi tin rằng đối phương sẽ mở lòng và chia sẻ nhiều hơn với chúng ta, và từ đó ta có nhiều cơ hội để giúp đỡ họ hơn.

Hãy tập trung lắng nghe trước khi đưa ra ý kiến, hãy hạ cái tôi của mình xuống nếu bạn thực sự muốn tốt cho đối phương chứ không phải muốn thể hiện bản thân.

Xong phần kiến thức, đến phần kể chuyện cá nhân.

Bồ Câu nhà mình hơi còi. Mỗi lần ra ngoài gặp bạn bè hoặc họ hàng, mọi người thấy bé còi thì hay góp ý.

  • Tại sao không cho ăn cái này cái kia…
  • Bổ sung… đi
  • Cháu phải cho nó đói thì nó mới chịu ăn….

Nhưng có 1 logic khá cơ bản, là mình cũng là người hơi trẻ, cũng có tri thức, về cơ bản thì những cái mọi người góp ý mình đều nghiên cứu hoặc thử nghiệm rồi.

Khi nghe góp ý 1 2 lần thì không sao, nhưng nghe quá nhiều lần với cùng 1 cú pháp “Tại sao không…” thì rất là quạu, thậm chí có lúc phát giồ.

Nếu mọi người bắt đầu bằng câu hỏi “cháu thử… chưa” thì mọi chuyện sẽ rất khác.

Chủ quán trà đá!

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nói về Truyền Thông và Digital Marketing, ngoài ra thì tôi thích cả việc được chia sẻ và tâm sự thầm kín về các vấn đề cuộc sống. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi - nơi tôi chém gió mọi thứ giản dị như khi đang ngồi tại một quán trà đá.