https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2023/09/6268376eee87f-740x493.jpg

Khôn lỏi là mầm mống của khủng hoảng

Hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành
Ảnh: Tạp chí Luật Sư


Nếu các bạn có quan tâm đến lĩnh vực an ninh hình sự (thông qua phim ảnh thôi cũng được), thì chắc các bạn sẽ ít nhiều để ý đến nghiệp vụ đấu tranh của cơ quan điều tra với nghi phạm.

Có những chuyện trên đời này mãi mãi không chứng minh được, chỉ có trời biết, đất biết và nghi phạm biết.

Ví dụ như có 1 vụ trộm, chỉ có kẻ tình nghi, không có tang vật hay nhân chứng. Trong nhiều trường hợp, vụ án sẽ phải đóng lại mà không bắt được tội phạm.

Tuy nhiên, nghiệp vụ điều tra của cảnh sát sẽ đặt ra liên tục rất nhiều câu hỏi cho nghi phạm. Trong những câu hỏi đó sẽ có những câu mà cảnh sát đã biết chắc chắn câu trả lời, nhưng họ không bao giờ để lộ. Nghi phạm nếu như nói dối bất cứ 1 chi tiết nào trong các câu hỏi đó, sẽ ngay lập tức bị rơi vào tình trạng mất niềm tin. Cơ quan điều tra sẽ nghi ngờ tất cả những câu trả lời khác.

Đây cũng là tuyệt chiêu của các bà vợ cao tay khi điều tra chồng. Các bà không cần chứng minh các ông phạm tội, các bà chỉ cần chứng minh các ông nói dối 1 điều gì đó, thế là đủ.

Việc nghi phạm bị phát hiện nói dối 1 điều gì đó không đồng nghĩa với việc hắn có tội. Có nghĩa là hắn chưa thua hoàn toàn.

Nhưng truyền thông thì khác, đây không phải là phiên tòa. Thắng thua trên mặt trận này không được định nghĩa bằng đúng sai.

Về cơ bản thì ai cũng muốn lan tỏa những thông tin có lợi cho bản thân và che giấu đi những điều bất lợi, chẳng ai lại muốn điều ngược lại cả.

Nhưng khi ra mặt trận truyền thông, việc bạn cố tình ngó lơ những thông tin sai nhưng có lợi cho bạn, hoặc đưa ra thông tin đúng nhưng không đầy đủ để cộng đồng hiểu lầm theo hướng có lợi của bạn,… sẽ không thực sự mang lại lợi ích cho bạn đâu, nó là 1 quả bom nổ chậm đấy.

Có thể là hình ảnh về 4 người và văn bản


Nếu ca sĩ J5M nhanh chóng đính chính các tin đồn 60 tỷ, thay vì để nó lan tỏa như 1 hình thức PR nâng tầm cho MV, thì có lẽ mọi chuyện đã không buồn cười đến mức ấy.

Nếu doanh nhân QC không đưa ra những thông điệp khiến cộng đồng hiểu nhầm rằng ông đã hỗ trợ J như anh em giúp nhau, và J trông như 1 kẻ đi ké, thì kết cục không phải thanh minh rằng “cá nhân tôi chưa bao giờ phát ngôn là 0 đồng”.

Đến thời điểm này, dù 2 bên có nỗ lực thanh minh thế nào, thì niềm tin cũng đã mất, thời điểm vàng để kiểm soát khủng hoảng đã qua (Trừ khi cả 2 bắt tay tạo sóng, và đây là kết quả họ mong muốn. Nhưng đây chỉ là thuyết âm mưu, chúng ta không nên bàn).

Đã có rất nhiều bài học kiểu kiểu như vậy trong quá khứ. Lấy ví dụ như câu chuyện cách đây không quá lâu của 1 Shark + 1 cô diễn viên + 1 bà vợ.

Cái ngày chị vợ lên bài tố rằng “chồng chưa li dị nhưng vẫn cặp với người khác” đã gây bão trên mạng. Về cơ bản thì dư luận đứng hoàn toàn về phía bà vợ.
Nhưng rồi shark lên thông báo, rằng “chúng tôi chưa ly hôn nhưng đã ly thân, gia đình 2 bên đều biết”. Đến đây thì bỗng nhiên 1 lượng lớn dư luận quay xe, quay ra chỉ trích bà vợ.

Vấn đề ở đây là, chị vợ đã chỉ chọn lọc đưa ra thông tin có lợi cho mục đích của bản thân, mà giấu đi 1 phần thông tin khác. Đây chính là cách làm khôn lỏi.

Tôi nghĩ rằng cách này khôn nhưng thực ra là dại.
Đương nhiên không phải 100% dư luận sẽ quay xe, vẫn sẽ có những người đứng lại ủng hộ chị vợ thôi. Nhưng điều chị mất, đấy chính là lượng người trung lập.
Người thích chị thì vẫn thích chị, người ghét chị thì vẫn ghét chị, nhưng có 1 lượng lớn người không thích không ghét giờ quay sang ghét chị. Vì họ cảm giác như bị lừa vậy.

Cách làm tốt hơn trong trường hợp này, là đưa ra đầy đủ thông tin ngay từ đầu, rồi điều hướng trên thông tin đầy đủ đó. Ví dụ: Tuy chúng tôi đang ly thân, nhưng chưa li dị, vậy nên…..” Nếu làm như vậy, thì dù có người ủng hộ hoặc phản đối, nhưng chắc chắn chị sẽ không làm những người trung lập ghét chị.

Hay có 1 kiểu câu chuyện cực kỳ phổ biến. Kiểu như nhân sự A đăng bài bóc DN không trả lương, sau DN đăng bài tố lại họ làm vậy vì nhân sự đã phạm lỗi này lỗi kia. Khi đăng bài lần đầu, A đã cố tình bỏ bớt các chi tiết đó để làm câu chuyện có phần bất mãn hơn?

Các bạn có thấy câu chuyện kiểu đó phổ biến không?
Chốt lại, trừ khi có những thông tin mà bạn có thể giấu cả đời, không ai đào ra được, thì bạn hãy giấu. Còn những thông tin mà nhiều người biết, thì đừng có giấu. Thay vì đó hãy chủ động công khai đầy đủ, rồi phân tích và điều hướng ngay từ đầu. Như vậy thì chưa chắc bạn đã thắng, nhưng ít nhất cũng tránh được việc thua cuộc do mất niềm tin.


Chủ quán trà đá.

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.