https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2024/04/enhance-business-presentation-740x493.jpg

Năng lực phát ngôn ĐM (ĐÚNG MỰC).


Chưa cần nói đến Kols hay Influencer, kể cả những người bình thường cũng luôn phải đối diện với những nguy cơ vạ miệng khi sinh hoạt trên mxh. Nếu bạn chỉ lên Facebook để đọc tin thì không nói, chỉ cần bạn chớm có những động thái chia sẻ quan điểm, đó lúc đó nguy cơ đã được hình thành.


Vậy làm sao để tránh tai bay vạ gió không cần thiết, làm sao để chuẩn bị 1 tâm thế tốt chờ đón những ý kiến trái chiều?


Câu trả lời là hãy học cách phát ngôn ĐM.


Đúng Mực (ĐM) không phải là Đúng.


Phát ngôn đúng, là khi ta so sánh phát ngôn với bản chất sự việc.
Phát ngôn ĐM, là khi ta so sánh phát ngôn với mức độ chính xác của thông tin.


Ví dụ: Nếu anh A nói với tôi rằng B là kẻ trộm.
Vậy nếu tôi nói rằng “B là kẻ trộm” thì đây là một phát ngôn có thể sai hoặc đúng, và nguy cơ vạ miệng đã được hình thành từ thời điểm này.


Nhưng nếu tôi nói rằng “A nói với tôi rằng B là kẻ trộm” thì câu chuyện lại thay đổi hoàn toàn, lúc đó chuyện đúng sai về B không còn quan trọng nữa, vì lúc này tôi chỉ đang thuật lại 1 sự thật khách quan. Đây chính là phát ngôn ĐM, vì tôi đang đưa ra thông tin đúng với mức độ chính xác của nó.


Có 1 điều rất thú vị ở đây. Rất nhiều người có thói quen lược bớt NGUỒN THÔNG TIN khi chia sẻ lại với người khác. Điều này dẫn đến 2 rủi ro:

1 là họ phải chịu trách nhiệm về thông tin họ nói

2 là người có thói quen này thường đi theo hướng bảo thủ. Vì thông tin là do họ đưa ra nên họ có xu hướng bất chấp bảo vệ thông tin dù bản thân họ không nắm rõ bản chất vấn đề. Chỉ đơn giản là không ai muốn mình là người sai lầm.


Vậy làm sao để rèn luyện thói quen phát ngôn ĐM?


Hãy rèn luyện ngay trong những đoạn đối thoại hàng ngày những thói quen nhỏ sau đây:

  1. Có thói quen dẫn nguồn thông tin.
    Hãy mở đầu việc chia sẻ thông tin bằng cụm từ “tôi đọc, tôi nghe,…”.
    Việc dẫn nguồn thông tin sẽ khiến bạn không phải chịu trách nhiệm của tính đúng sai thông tin. Ngoài ra nó cũng bắt bạn phải đi đọc lại nguồn tin một cách rất tự nhiên.
  2. Có thói quen đưa ra giả định
    Hôm vừa rồi tôi có lên ghi hình trả lời phỏng vấn của VTV về vụ đám cưới của PT. Tôi phải nhấn mạnh nhiều lần rằng nhà Đài phải giữ nguyên văn câu nói của tôi rằng “Trong trường hợp đám cưới này là giả thì….”
    Suy cho cùng đến tận ngày hôm nay, không một ai ngoại trừ người trong cuộc biết được đám cưới là thật hay giả. Một lời tuyên bố từ chính chủ trong ngày 1/4 rằng đó là giả, vẫn chưa chắc đó là giả.
    Có những chuyện chắc chắn đến 99%, nhưng nếu vẫn có 1% khả năng sai, thì vẫn phải dùng cú pháp giả định.
    Bạn có thể nói rằng “Tôi tin đây là giả, tôi tin đây là thật”. Nếu nó thuộc về niềm tin của bạn thì ok, không sao cả. Nhưng bạn không nên nói đó là giả, nếu bạn thấy rằng vẫn còn 1% nhỏ nhoi ngược lại.
    Nếu bạn rèn được thói quen đó, thì tự bản thân bạn sẽ có thói quen phân tích phản biện mạnh mẽ. Và quan trọng hơn nữa, sau này bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận ý kiến trái chiều hơn, vì ngay từ đầu bạn đã xây dựng tâm thế rằng không có gì chắc chắn 100%.
  3. Thay đổi thói quen dùng từ
    Hãy làm quen với một số từ dưới đây và tập sử dụng chúng càng nhiều càng tốt:

Có dấu hiệu…

Không loại trừ….

Chưa đủ cơ sở để nói…

Thường chúng ta hay dùng những từ như “có thể, không thể, chắc là” để nói về khả năng xảy ra của 1 hiện tượng.
Những từ đó cũng k sai, nhưng nó quá chung chung, và có thể thôi thúc ý chí phản đối của những người có niềm tin hoặc mong muốn đối ngược.


Nghe thì hơi khó hiểu, nhưng đơn giản lắm.

Nếu tôi nói “A là kẻ trộm” thì đây là 1 phát ngôn quy chụp nếu như k có bằng chứng đi kèm.

Nếu tôi nói “A có thể là kẻ trộm” thì đây là một phát ngôn nghe có vẻ đúng mực hơn, vì nó ám chỉ khả năng chứ k kết luận. Tuy nhiên, câu nói này sẽ thôi thúc những người tin rằng “A k phải kẻ trộm” phản đối bạn.
Thay vào đó, nếu bạn dùng những câu nói cụ thể hơn:

  • Có dấu hiệu để nói A là kẻ trộm
  • Chưa có đủ cơ sở để nói A là kẻ trộm


Những câu nói đó khiến đối phương phải công nhận tính khả năng của vấn đề, giúp ta tiết kiệm việc tranh cãi k cần thiết.

Đặc biệt: hạn chế dùng những từ kiểu “chắc là” trong những phát ngôn mang màu sắc nhạy cảm.
3 thói quen này nên được rèn luyện trong từng trao đổi hàng ngày. Kể cả khi bạn không chia sẻ trên mxh, thì khi bạn họp hành đàm phán, từng câu nói của bạn cũng có thể mạng lại những thay đổi lớn trong kết quả.

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.