Ngữ Văn là một môn học tuyệt vời.
Bố Mẹ Thầy Cô hãy truyền cảm hứng học Văn cho các con nhé.
Người lớn hãy chỉ cho các con rằng:
Nội dung chính
Học văn miêu tả chính là rèn luyện óc quan sát tỉ mỉ kết hợp cùng với khả năng liên tưởng sáng tạo vô biên.
Bình thường khi miêu tả một sự vật hiện tượng, chúng ta thường có xu hướng miêu tả sự vật bằng những đường nét nổi bật nhất. Ví dụ: người đàn ông đẹp trai sáng sủa, con mèo đen chân trắng,…..
Thói quen này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian trao đổi thông tin, nhưng dần dà nó khiến chúng ta bỏ qua rất nhiều chi tiết nhỏ trên sự vật hiện tượng. Chúng ta nhìn nhưng có thể không thấy.
Ai đó đã nói 1 bức ảnh hơn ngàn câu chữ. Thật vậy, để biết 1 người trông như thế nào thì chúng ta chỉ cần nhìn ảnh người đó trong vài giây. Nhưng sẽ cần rất nhiều ngôn từ để mang lại 1 kết quả gần giống như vậy.
Văn miêu tả bắt chúng ta phải đi vào từng chi tiết, từ lớn tới nhỏ, từ tổng thể tới cụ thể.
Tôi vẫn nhớ cái đề bài đáng ghét nhất ngày xưa chính là văn tả cây bàng. Có mỗi cái cây sao bắt tả hoài vậy. Nhưng sau này lớn lên mới hiểu, vấn đề k phải là cây bàng, vấn đề là óc quan sát. Bth chúng ta chỉ thấy 1 cái cây to tán rộng già nua. Nhưng khi bị bắt phải làm văn miêu tả, ta mới bắt đầu để ý đến từng cái lá, từng đoạn gốc cây trồi lên ngụp xuống mặt đất. Và để tả được những thứ đó, khả năng liên tưởng so sánh là vô cùng quan trọng. Đây chính là tiền đề cho sự sáng tạo.
Hãy thử quay sang mô tả 1 người thân nhất của bạn đi. Khi đó bạn sẽ bắt đầu để ý tới những thứ “ít quan trọng”. Từ dáng hình đôi mắt, độ đậm nhạt lông mày, vị trí của nốt ruồi, độ rộng của nụ cười,…..
Nếu ai hâm mộ dòng văn trinh thám sẽ thấy 1 mô típ cực kỳ quen thuộc. Đó là 1 thám tử tài ba sẽ có khả năng đọc vị đối phương rất điệu nghệ. Chỉ bằng việc quan sát, thám tử có thể nhận ra nghề nghiệp, cuộc sống, tính cách,… của đối phương. Đây chính là khả năng quan sát tuyệt diệu. Tôi đoán những thám tử này hồi bé rất chịu khó luyện văn miêu tả.
Óc quan sát giúp chúng ta thấy được nhiều điều thú vị, đó có thể là 1 insight khách hàng, có thể là 1 nét cảm xúc của người đối diện. Người có óc quan sát thì EQ cũng tốt. Tôi tin rằng những người EQ cao thì dễ có được những thành công trong cuộc sống.
Học văn tự sự chính là học nghệ thuật kể chuyện.
Hôm trước trong workshop về Nghệ Thuật Kể Chuyện, tôi có nói với mọi người như này:
“Kể chuyện là 1 hoạt động bản năng của con người. Ai cũng có khả năng kể chuyện hết á. Tuy nhiên, thường thì chúng ta sẽ kể chuyện khi có sẵn 1 câu chuyện hay để kể. Ví dụ tôi ra đường có gì vui thì về kể cho vợ ấy. Tuy nhiên khi chúng ta bị rơi vào tình thế phải kể chuyện một cách chủ động. Tức là k phải tình huống chúng ta có chuyện hay để kể, mà là chúng ta rơi vào tình huống phải tìm 1 cái gì đó hay hay để kể, đó là lúc mà mọi người thường sẽ luống cuống. Tôi gọi đó là kể chuyện chủ động”
Kể chuyện là 1 kỹ năng rất cơ bản trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta truyền đạt thông tin và cảm xúc. Nó kết nối mọi người lại với nhau, vì ai cũng thích được nghe một câu chuyện hay.
Có những lúc chúng ta đi vào bế tắc, vì đã dùng tới tận cùng lí lẽ nhưng vẫn không thể thuyết phục được người khác. Đó chính là lúc mà sức mạnh của những câu chuyện được bộc lộ.
Con người là một thực thể phi lý trí. Đôi khi càng dùng lí lẽ thì càng khó thuyết phục, vì ở phía bên kia, đối phương sẽ tìm mọi cách để phản bác chúng ta. Thậm chí kể cả khi không còn gì để phản bác, kể cả khi họ đã thua trên mặt trận logic, thì cũng chưa chắc là họ đã hành động theo cách mà ta muốn. Một câu chuyện hay thì lại khác, nó đánh vào cảm xúc sâu thẳm, nó không chỉ có sức mạnh thay đổi 1 con người, mà đôi khi nó còn có thể thay đổi cả thế giới. Học kể chuyện chính là học đắc nhân tâm.
Brand giỏi kể chuyện thì thương hiệu bền vững. Người bán hàng giỏi kể chuyện thì bán được nhiều hàng. Sếp giỏi kể chuyện thì nhân viên đồng lòng. Cha mẹ giỏi kể chuyện thì con cái đồng cảm.
Đối với những người có thiên bẩm thì không phải bàn, còn lại tôi thấy đa số mọi người đều phải học và rèn luyện thì mới làm tốt, đặc biệt là khi chúng ta cần “kể chuyện chủ động”
Phải học cách chọn chuyện để kể.
Phải học cách kể chuyện mà không bị thành “kể lể”.
Phải học cách chắt lọc chính phụ, phân biệt chỗ nào cần kể chỗ nào không, chỗ nào cần đi chi tiết chỗ nào cần khái quát.
Phải học cách sử dụng ngôn từ hấp dẫn cuốn hút.
Phải học cách quan sát và đặt mình vào vị trí người đọc người nghe, để điều tiết nhịp độ kể chuyện phù hợp.
Phải học cách chuốt lại bài học sau mỗi câu chuyện, sao cho không bị sáo rỗng giáo điều.
Những điều này không thể học hết trong 1 sớm 1 chiều, trong chương trình môn Văn phổ thông cũng chỉ có những kỹ năng rất cơ bản. Nhưng bạn phải thấy nó quan trọng thì bạn mới muốn học. Muốn đi xa thì bạn cũng phải bắt đầu, thậm chí là bắt đầu sớm. Tôi chỉ bắt đầu chú ý đến kỹ năng này khi ra đời làm việc. Tôi rất tiếc nuối về điều này.
Học văn nghị luận chính là học tư duy phản biện.
Cá nhân tôi cảm thấy rất ức chế mỗi lần phải tranh luận với những người không có nền tảng về nghị luận và tranh biện. Chưa nói đến việc đúng sai, thì những nguyên tắc cơ bản của tranh luận cũng là 1 điều gì đó rất xa xỉ đối với phần đông xã hội.
Cấu trúc của 1 phần trình bày Nghị Luận cơ bản như sau:
Quan điểm của tôi là….
Luận điểm 1 + Luận cứ của luận điểm 1
Luận điểm 2 + Luận cứ của luận điểm 2
Trong đó:
Quan điểm của tôi chính là sự lựa chọn của tôi. Ví dụ nên học đại học thay vì học nghề, nên tự kinh doanh thay vì làm thuê,….
Luận điểm chính là những lý do cho sự lựa chọn đó.
Luận cứ chính là những cơ sở cho luận điểm, có thể là bằng chứng hoặc dẫn chứng.
Văn nghị luận sẽ phát huy tác dụng trong 2 trường hợp. 1 là lúc bạn muốn thuyết phục người khác bằng logic, 2 là khi bạn chỉ đơn giản là muốn bày tỏ 1 quan điểm cá nhân nào đó.
Trong cả 2 trường hợp, bạn đều phải trình bày quan điểm theo cấu trúc nghị luận. Dù ngôn từ có thể sáng tạo, dù dàn ý có thể thay đổi linh hoạt theo Quy Nạp hoặc Diễn Dịch, nhưng cấu trúc cốt lõi vẫn phải theo sườn Quan Điểm-Luận Điểm-Luận Cứ.
Trong trường hợp bạn cần phải tham gia vào 1 cuộc tranh luận, thì cấu trúc nghị luận lại càng quan trọng. Nó sẽ giúp bạn làm cuộc tranh luận trở nên mạch lạc hiệu quả.
Thay vì tốn thời gian vào việc cãi qua cãi lại, ngụy biện, hay thậm chí là công kích cá nhân, giờ đây 1 cuộc tranh luận sẽ tập trung vào hệ thống luận điểm luận cứ. Thay vì cứ chăm chăm nói đối phương sai, giờ đây bạn sẽ phải tập trung vào phản bác từng luận điểm với từng luận cứ cụ thể, để từ đó có thể làm rõ ràng sai là sai ở đâu, sai là sai cái gì.
Cấu trúc 1 phần phản biện tiêu chuẩn sẽ như sau:
Tôi phản bác quan điểm của bạn. Vì
Luận điểm 1 của bạn tôi phản bác như này…..
Luận điểm 2 của bạn tôi phản bác như này…..
Tôi đưa ra lựa chọn khác bạn. Vì
Luận điểm 1′ + luận cứ
Luận điểm 2′ + luận cứ
Hiểu đơn giản thì trong 1 cuộc tranh luận, chúng ta sẽ làm 2 việc độc lập, 1 là phản bác luận điểm/luận cứ của đối phương, 2 là đưa ra luận điểm luận cứ của mình.
Nghe thì có vẻ hơi lú và cao siêu, nhưng hỡi ôi, toàn bộ những thứ tôi vừa viết đó là nằm trong giáo trình Ngữ Văn ở cấp 3 đấy mọi người.
Người học tốt Nghị Luận thì trình bày vấn đề rõ ràng rành mạch, có năng lực thuyết phục cao bằng lập luận logic.
Kỹ thuật kể chuyện sẽ phát huy công lực mạnh mẽ nếu kết hợp với Nghị Luận. Những câu chuyện có thể trở thành 1 phần đắt giá trong 1 ấn phẩm nghị luận (dù là văn nói hay văn viết). 1 câu chuyện hay có thể sẽ chính là một luận cứ sắc bén đánh vào cảm xúc để tăng tính thuyết phục.
Nếu xã hội chú trọng môn Nghị Luận Xã Hội này, thì chất lượng giao tiếp công việc và cuộc sống của cả xã hội sẽ được cải thiện 1 cách khủng khiếp.
Bên cạnh bộ ba Miêu Tả – Tự Sự – Nghị Luận, trong giáo trình Ngữ Văn còn rất nhiều học phần giá trị không thể kể hết trong bài này. Ví dụ như học cảm thụ văn học để bồi đắp tình yêu Đất Nước và Con Người, học để tăng cường vốn từ văn phong.
Chỉ tiếc là:
Cách đào tạo môn Văn hiện vẫn còn quá rập khuôn. Thay vì tập trung phát triển kỹ năng tư duy từ bên trong, thì hệ thống giáo dục vẫn hướng tới việc tạo ra những phiên bản hoàn hảo theo 1 mẫu số chung nào đó.
Thay vì được khuyến khích để cảm nhận thế giới qua ngôn từ, thì các học trò đôi khi bị ép phải cảm thụ văn học theo đúng góc nhìn của thầy cô.
Thay vì được truyền tình yêu để học sinh có hứng thú với môn học, thì Ngữ Văn vẫn chỉ là 1 học phần mà các em buộc phải học.
Đây chính là nguyên nhân đã git cht hứng thú của 1 bộ phận học sinh với môn học này. Tuy không phải toàn bộ, nhưng không thể phủ nhận đây là một tình trạng phổ biến trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Hiếm hoi vẫn có những thầy cô giáo yêu nghề, khiến cho học sinh mê mẩn mỗi khi vào tiết. Vẫn có những nhà giáo đi theo con đường khai phóng, khuyến khích học sinh phát triển đa dạng theo đúng bản ngã.
Tôi xuất thân là dân đặc khối A. Suốt những năm tháng phổ thông thì Ngữ Văn luôn là ác mộng của tôi. Tôi chán ghét nó 1 cách cùng cực. Vậy nên tôi luôn ao ước giá như ngày đó có người truyền tình yêu môn học này cho tôi, giá như có người nói với tôi môn học này hữu ích đến như vậy.
Tất cả những điều tôi viết ở trên đều xuất phát từ những trải nghiệm của những năm tháng lăn lộn trong thế giới của người lớn, nơi mà mỗi kỹ năng sống đều quyết định trực tiếp tới khả năng kiếm tiền và vị trí xã hội. Tôi viết bài này không phải để dìm môn này nâng môn nọ. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là xã hội có vẻ vẫn đang coi trọng các môn ban A hơn ban D.
Nhưng sau cùng, vai trò của giáo dục là phát triển con người, ban nào môn nào cũng có giá trị riêng của nó. Các môn ban A rất tốt cho 1 số ngành nghề cụ thể, các kiến thức của khối A thường sẽ có ích trong những trường hợp rất cụ thể. Còn các môn ban D thì phát triển con người, tạo ra một hệ thống tư duy và kỹ năng mềm mà ai cũng cần, giai đoạn nào cũng cần, ở đâu cũng cần.
Chính những người đào tạo phải nắm được giá trị của những thứ mình truyền dạy, phải thúc đẩy động lực học tập từ bên trong, để cho người học thu nạp kiến thức và thực hành một cách say mê.
Nói vậy nhưng chúng ta không thể dồn hết trách nhiệm lên các thầy cô. Chính các cha mẹ cũng có nghĩa vụ giảng giải định hướng cho các con khi ở nhà.
Mỗi người ở mỗi giai đoạn sẽ có năng lực nhận thức khác nhau. Để một học trò còn đang ngồi trên ghế nhà trường có thể nhìn thấu giá trị của môn Văn là một việc rất khó. Vậy nên sự đồng hành truyền cảm hứng từ cha mẹ là vô cùng quan trọng.
Hy vọng bài viết này sẽ truyền tình yêu môn Ngữ Văn đến cho các bậc cha mẹ, qua đó lan truyền tinh thần này đến các thế hệ sau.
Chủ quán trà đá!