https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2022/12/Screenshot_7-740x493.png

10 nguyên tắc để hạnh phúc với nghề đào tạo

Có một điều khá trớ trêu về ngành đào tạo, đó là thay vì tràn ngập yêu thương và sự kính trọng, thì ngành này lại ngập tràn drama thị phi, đặc biệt là đối với các hoạt động đào tạo liên quan đến kinh doanh và marketing.

Nhân ngày nhà giáo thì dành chút thời gian ngồi suy ngẫm về công việc của chính mình. Xin chia sẻ đến mọi người những góc nhìn của cá nhân tôi, những thứ giúp tôi sống hạnh phúc với công việc này.

1. Học viên không phải học trò, giảng viên không phải thầy giáo.

Những từ này mang nghĩa khác nhau hoàn toàn. Học viên thì đơn giản là người học, cứ tham gia học thì có thể gọi là học viên. Giảng viên thì là người giảng giải một kiến thức nào đó.Học trò và thầy giáo là những từ rất nặng. Nó nặng về mặt vai trò trách nhiệm. Để coi một người là học trò, thì ta phải có sự đồng hành dạy dỗ chỉ bảo. Để gọi một người là thầy, thì người đó phải có sự ảnh hưởng sâu sắc đến những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ta.

Những từ đó quá nặng, nên tôi k bao giờ nhận mình là thầy, tôi cũng k có học trò, tôi chỉ có học viên, còn ai gọi như nào thì đó là việc của họ.

2. Thành công của học viên không phải thành công của mình.

Nếu nói “thành công của học viên” là niềm vui của mình thì được. Học viên thành công là do nỗ lực của họ. Dù họ thành công trước hay sau khi học thì điều đó vẫn không thay đổi. Tôi có thể dạy họ một vài điều quan trọng, nhưng thực tế thì để thành công họ còn cần rất nhiều thứ quan trọng khác, không thể vơ hết về mình.

Có một chiêu rất phổ biến trong Edubiz, là chờ học viên thành công rồi lôi đi khoe để khè thiên hạ. Tất nhiên việc đó cũng k sai trái gì, nếu thật sự học viên đã đồng ý.

3. Muốn hạnh phúc thì phải KIỂM SOÁT sự kỳ vọng của người khác vào mình.

Đây là tư duy cốt lõi mang lại hạnh phúc bền vững. Chúng ta không suy sụp vì chúng ta thất bại, chúng ta suy sụp vì chúng ta thất vọng. Chúng ta thường sợ làm người khác thất vọng. Rất nhiều người trở thành nạn nhân của sự kỳ vọng. Họ gieo vào đầu người khác những sự kỳ vọng quá cao về bản thân, rồi cả đời họ luôn phải chạy với theo sự kỳ vọng đó. Nếu tôi làm được 6 điểm, nhưng người ta kỳ vọng có 4 điểm, thì tôi vẫn hoàn thành công việc xuất sắc. Nhưng nếu tôi làm được 8, mà họ kỳ vọng 10, thì họ vẫn thất vọng về tôi.Vậy nên khi làm đào tạo, tôi luôn cân nhắc về khả năng của bản thân. Tôi luôn điều chỉnh sự kỳ vọng của học viên vào khóa học, tôi không muốn họ kỳ vọng một cái gì đó quá lớn lao. Một khóa học chất lượng là khi nó đáp ứng được hoặc trên mức kỳ vọng của học viên. Nếu k kiếm soát kỳ vọng từ đầu vào, khả năng fail là rất cao.

Ví dụ như lớp THCN của tôi. Tôi luôn nói là khó lắm, không phải ai học xong cũng làm được. Tôi chỉ nói học xong có thể bắt tay vào làm ngay, chứ không bao giờ dám nói học xong sẽ làm thành công. Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Cách thể hiện như của tôi sẽ không tạo ra cảm giác Fomo cho học viên, làm cho việc bán khóa học trở nên khó khăn hơn. Những người chọn cách tô vẽ cho khóa học và giảng viên sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng cuộc sống là những sự lựa chọn mà, phải chọn thôi.

4. Những người yêu quý bạn cũng có thể là liều thuốc độc.

Homo Sapiens xưa nay vẫn thế, chúng chỉ thấy những gì mà chúng muốn thấy. Thường thì những học viên hài lòng họ sẽ inbox cảm ơn. Những học viên không hài lòng họ sẽ im lặng. Thường học viên sẽ chê khóa học trong những inbox với bạn bè họ, chứ ít khi nào đăng lên Facebook, nếu có thì là phốt to rồi.Nếu làm đào tạo mà chỉ chăm chăm nhìn vào các feedback tích cực, thì bạn sẽ không thể nhìn thấy sự thật.FACT: Dù một lớp học sida thế nào, vẫn sẽ có người khen thôi.

5. Tiếp nhận khen chê có chọn lọc

Khen chưa chắc đã vui, chê chưa chắc đã buồn.

Bởi vì:

– Ai khen ai chê?

– Họ khen chung chung, hay khen rất cụ thể?

– Họ chê vì cái gì, nguyên nhân từ đâu?

Ví dụ:

– Ai đó nói rằng hôm nay học rất hay, vui 1 xíu thôi, vì nó không nói lên nhiều điều. Nhưng nếu họ khen rất cụ thể vào nội dung, vào cách họ hiểu và áp dụng, thì rất đáng ghi nhận.

– Ai đó chê rằng hôm nay học rất tệ, buồn một xíu thôi, vì nó không nói lên nhiều điều. Quan trọng là xem vấn đề xuất phát từ kiến thức, từ cách truyền đạt, hay do họ không phù hợp với lớp học.

– Lời khen chê từ newbie thì cũng bình thường. Nhưng ý kiến từ những người có kinh nghiệm thì phải đặc biệt chú ý.

6. Cái gì không biết thì nói luôn là không biết.

Nhiều người có tâm lý sợ dốt, nhưng tôi thì không. Kiến thức là vô hạn, không ai biết tất cả. Tôi có thể là giảng viên môn này, nhưng lại là học viên môn khác. Càng giấu dốt thì càng dễ rơi vào những trạng thái căng thẳng, thậm chí là xấu hổ.

7. Showcase thì không cần nghiên cứu khoa học, nhưng giảng dạy thì có.

Showcase là chia sẻ chính xác những gì mình đã làm, không mang tính phổ quát, không phải chịu trách nhiệm đúng sai.

Giảng dạy là chia sẻ những kiến thức đã được đúc kết, tổng quát hóa, quy trình hóa, mang tính phổ quát, để mỗi người học hiểu bản chất và tự tìm ra cách áp dụng. Tính đúng sai của giảng dạy phụ thuộc rất nhiều vào việc giảng viên có nghiên cứu đủ sâu và rộng hay không.

Câu nói cửa miệng của những người giảng dạy chuyên nghiệp là “TÙY”, và sau đó họ sẽ đưa ra những điều kiện cụ thể để học viên biết là “tùy vào cái gì”.

8. Làm đào tạo thì nên chăm lo về cái ăn cho học viên.

Ăn nhiều ăn ngon sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc. Ăn vào rồi học viên cũng ngại bóc phốt hơn, nên cứ cho ăn nhiều vào :))

9. Làm nghề đào tạo không nhất thiết phải tỏ ra đạo mạo.

Các thầy cô giáo trong môi trường sư phạm có rất nhiều trách nhiệm, không những truyền thụ kiến thức, mà còn phải rèn nết rèn người cho học trò.

Làm đào tạo ở môi trường chuyên môn thì đỡ áp lực hơn nhiều, chỉ cần tập trung vào kiến thức. Nên không cần phải quá áp lực về mặt hình ảnh cá nhân.

10. Sống biết ơn

Những kiến thức tôi có được hôm nay, một phần do chính bản thân thu lượm và nghiên cứu, một phần là được các thế hệ trước truyền lại. Những người anh, những người thầy (cả chính thức và không chính thức), đều góp phần tạo nên tôi ngày hôm nay. Xin gửi lời tri ân đến tất cả các anh, tất cả các thầy.

Chúc mọi người sức khỏe và thành công trong cuộc sống.

Chủ quán trà đá!——————

Lưu ý:

– Bài viết này không đề cập tới các thầy cô giáo trong môi trường sư phạm.

– Bài viết này không đề cập tới các tiêu chuẩn của nghề đào tạo, đó chỉ là những nguyên tắc của cá nhân tôi.

20/11/2022, Hà Nội.

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.