https://phungthaihoc.com/wp-content/uploads/2019/05/digital-marketing-1800x900-740x493.jpg

Tư Duy Marketing là cái khỉ gì mà đi đâu cũng thấy?

1. TƯ DUY LÀ GÌ?

Trong Marketing nói chung và Digital nói riêng, chúng ta thường rất hay nghe thấy cụm từ “Tư Duy”, hay “Mind Set”. Từ này được nói ở khắp mọi nơi: phòng họp, bàn trà đá, từ lúc phỏng tuyển dụng đến lúc đào tạo. Ai cũng nói rằng làm Marketing là phải có tư duy. Lúc đánh giá nhân sự thì nói bạn này có tư duy, bạn kia không có tư duy. Vậy Tư Duy (TD) là cái khỉ gì mà ghê gớm vậy ???

Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung vào làm rõ khái niệm “Tư Duy”, còn phân tích sâu về Tư Duy Marketing, mình xin phép chém thêm trong một bài viết khác. Còn bây giờ mình xin đưa ra định nghĩa luôn: “Tư Duy là cách bạn suy nghĩ để đưa ra quyết định cho một vấn đề

Khi bạn gặp phải bất cứ một vấn đề gì, CÁCH BẠN GIẢI QUYẾT vấn đề đó không thể hiện Tư Duy của bạn. Mà CÁCH BẠN SUY NGHĨ để đưa ra phương án giải quyết mới thể hiện lối TD của bạn.

Ví dụ 1: Khách hàng có khiếu nại về sản phẩm của công ty.

– Bạn suy nghĩ đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, tìm mọi cách để thỏa mãn khách hàng.

– Bạn lo sợ công ty của mình thiệt hại, tìm mọi cách để bịt miệng khách hàng, đảm bảo thông tin không bị lan truyền.

2 lối suy nghĩ ở trên chính là 2 lối TD khác hẳn nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, 2 lối TD khác nhau vẫn có thể dẫn đến một phương án giải quyết giống nhau. Tại sao vậy? Đó là vì đôi khi chúng ta may mắn tìm được cách giải quyết tối ưu cho cả 2 bên, khách hàng được thỏa mãn và CTy vẫn được an toàn. Khi đó 2 người có 2 lối TD khác nhau sẽ cùng lựa chọn 1 phương án tối ưu.

Tuy nhiên, khi gặp phải trường hợp mà không thể thỏa mãn cả 2 phía, chúng ta buộc lòng phải chọn lợi ích của CTy hoặc lợi ích của KH, 2 lối TD này sẽ đưa ra 2 phương án khác hẳn nhau.

Ví dụ 2: Bạn có một mẫu banner đặt trên báo đang kém hiệu quả. Điều đó thể hiện ở việc chi phí chuyển đổi từ banner đó đang rất cao:

Trong cuộc họp:
– Người A đề xuất: Vị trí Banner kém đó hiệu quả, tìm kiếm vị trí khác.
– Người B đề xuất: Bây giờ phải đi kiểm tra lại xem banner có hiển thị đủ như trong hợp đồng không, banner có bị lỗi link không, trong thời gian hiển thị banner thì website của mình có bị lỗi gì không, phân tích lại xem nội dung bài viết đã phù hợp với thông điệp trên banner chưa,….


Chúng ta có thể thấy, lối TD của người A là đơn giản. Người A thấy banner tốt thì làm, thấy banner không tốt thì không làm. Lối TD của người B thì cẩn thận và sâu sắc. Nếu người B thấy không tốt thì sẽ phân tích thật kĩ, xem liệu banner đó có thật sự không tốt. Người B chỉ đưa ra quyết định sau khi có đầy đủ thông tin.
Trong trường hợp này, người ta hay nói anh B là có TD, anh A là không có TD. Tuy nhiên, theo mình, không ai là không có TD cả, ai cũng có một phương pháp suy nghĩ để ra quyết định của mình. Chỉ là có người có phương pháp tốt, có người có phương pháp kém. Vì vậy, theo mình, người có TD thực ra nên gọi là người có TD tốt.


Xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề tại chuyên mục Digital Marketing

2. Làm thế nào để xây dựng Tư Duy Marketing

Tư duy không phải là điều gì đó mơ hồ, tư duy là những phương pháp suy nghĩ để ra quyết định rất cụ thể, hoàn toàn có thể văn bản hóa thành lời. Ví dụ như:
⦁ Trong Marketing, đẹp không có nghĩa là hiệu quả => Phải xác định rõ mình cần đẹp hay cần hiệu quả.
⦁ Một hiện tượng thì có thể có nhiều nguyên nhân => Hãy liệt kê tất cả các khả năng có thể rồi hãy nhận định vấn đề.
⦁ Trong Marketing thì không có đúng và sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp => Không bao giờ nói một kênh là kém hay tốt, chỉ nói kênh phù hợp hay không phù hợp. Nếu phù hợp thì cũng phải làm rõ, phù hợp trong giai đoạn nào, trong trường hợp nào.
⦁ Để đánh giá một chiến dịch MKT tốt, luôn phải so sánh với mục tiêu của chiến dịch => Không thể đánh giá một chiến dịch tốt hay không tốt nếu không thực sự nắm được mục tiêu của nó.

Trên đây là 4 ví dụ về 4 lối tư duy, ở đây mình không có ý nói 4 tư duy này là tốt là hay. Mình chỉ lấy ví dụ để thể hiện rằng tư duy là cái gì đó rất thực tế, có thể viết ra được. Nhưng thực tế, đó là lối tư duy của chính mình, mỗi tư duy ở trên sẽ là kim chỉ nam cho mình mỗi khi cần phải ra một quyết định hoặc đưa ra một nhận xét. Mỗi người sẽ có rất nhiều lối tư duy khác nhau, mỗi tư duy phục vụ một công việc, một mảng khác nhau của cuộc sống. Chúng ta có tư duy ứng xử nơi công sở, tư duy làm mkt, tư duy giữ gìn sức khỏe, …….
Để xây dựng những lối tư duy như trên, chúng ta cần làm 3 bước:
⦁ Đọc, nghe, học thật nhiều
⦁ Đúc rút, kết luận bằng văn bản
⦁ Thường xuyên tự nhắc lại và vận dụng

Ví dụ:
⦁ Bạn đọc ở trên Internet, bạn nghe một ai đó nói, bạn tham gia một khóa học, hoặc bằng bất cứ một cách nào đó mà bạn biết được rằng: làm Marketing cuối cùng là phải bán được hàng, doanh nghiệp của bạn phải có lợi nhuận. Trừ khi DN của bạn là NGO hoặc rửa tiền.
⦁ Bạn thấy thấm thía và luôn tự nhắc mình: Làm gì cũng phải tự hỏi, việc làm này có giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận trong ngắn hạn hoặc dài hạn không
⦁ Sau khi bạn triển khai một chiến dịch PR, bạn được nhiều người khen chiến dịch thành công, được nhiều người biết đến. Nhưng lối tư duy hình thành ở bước 2 khiến bạn phải tự hỏi, liệu chiến dịch đó có giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận không, hay chỉ được cái màu mè thôi, lỡ nhiều người biết đến nhưng toàn sai Target Audience thì sao,….

Đó chính là lộ trình để bạn hình thành một tư duy. Nếu bạn chịu khó tìm tòi học hỏi, kết hợp với khả năng đúc rút kết luận, chắc chắn càng ngày bạn càng có nhiều lối tư duy tốt.

– Phùng Thái Học-

Thái Học

Tôi là Phùng Thái Học. Tôi thích viết, thích nuôi mèo, thích Digital Marketing, thích chia sẻ và tâm sự thầm kín. Cám ơn bạn đã ghé qua blog của tôi, rất mong được đọc các comment góp ý của các bạn.